Thông tin từ Người Lao Động, vào lúc tối 12/2, đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND) đã lên đường tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn khởi hành lúc 22h từ sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), dự kiến chuyến bay sẽ kéo dài 11 tiếng và hạ cánh xuống thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bộ Quốc phòng, 76 quân nhân của QĐND Việt Nam lên đường sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa động đất.
Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trên tất cả các anh đều đồng lòng, quyết tâm và cảm thấy tự hào khi thực hiện nghĩa vụ cao cả. Hành trang lên đường của những người lính cụ Hồ còn là sự ủng hộ hết lòng của hậu phương, gia đình.
Thượng úy Kiều Đức Toàn
Đó cũng là câu chuyện của Thượng uý Kiều Đức Toàn, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh, được vợ ủng hộ khi quyết định hoãn lại đám cưới lên đường thực hiện nhiệm vụ.
"Người yêu em hoàn toàn ủng hộ và động viên an tâm công tác sang bên ấy chấp hành nhiệm vụ, giữ an toàn và cô ấy chuẩn bị cho em rất nhiều thứ từ thuốc men, quần áo và những nhu yếu phẩm cần thiết nhất", Thượng úy Toàn chia sẻ.
Còn với chị Nguyễn Thị Yến (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) cho biết, khi được thông báo chồng sắp cưới chuẩn bị sang thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, lớn hơn cả cảm giác hụt hẫng vì hôn lễ dự định được tổ chức vào ngày 27/2 tới phải hoãn lại, là cảm giác lo lắng.
Nhưng rồi, chị lại bắt tay ngay vào chuẩn bị tư trang, đồ dùng cho anh. "Em tìm hiểu thấy thời sự nói nhiều về thời tiết ở bên đấy đang rất là lạnh thì em dặn anh ấy là mặc ấm, ăn uống đầy đủ, thời tiết lạnh sợ cúm, bị ho thì em cũng chuẩn bị một số thuốc đơn giản", chị Yến tâm sự.
Thượng uý Kiều Đức Toàn (trái) quyết hoãn đám cưới để lên đường thực hiện nhiệm vụ
Đáng nói, quyết định hoãn cưới được cả 2 bên gia đình ủng hộ, động viên anh Toàn rất nhiều, tạm gác lại, chờ anh thực hiện nhiệm vụ xong thì mới tổ chức hôn lễ chu toàn nhất.
Ông Kiều Văn Trọng (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, bố chị Yến) cho biết: "Vợ chồng tôi cũng động viên cả con gái và con rể cố gắng động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và quân đội giao cho, dù rằng hạnh phúc của bản thân mình có chậm đi đôi ba chút thì cũng cứu người là trên hết.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về thì hai bên bố mẹ cùng đơn vị sẽ tổ chức hạnh phúc trăm năm cho các con".
Dặn dò người thương trước ngày lên đường, chị Yến xúc động: "Chúc anh Toàn với các đồng đội của anh ấy yên tâm công tác để hoàn thành nhiệm vụ. Anh sang đấy cứ yên tâm đi công tác, việc ở nhà em ở nhà sẽ sang thăm bà, thăm bố mẹ ở nhà, anh cứ yên tâm".
Thượng uý Kiều Đức Toàn (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội chuẩn bị các trang thiết bị
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, chị Yến cho biết, lúc yêu, rồi quyết định gắn bó cuộc đời mình với một chàng quân nhân, chị Yến thường tự nhủ rằng mình sẽ luôn dành cho anh tình yêu và sự ủng hộ lớn nhất, để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Anh chị chia sẻ những lời dặn dò yêu thương trước ngày lên đường, tuy xa cách về địa lý và thời gian nhưng trái tim của họ sẽ luôn gần bên nhau.
VietNamNet cho biết thêm, trong chuyến đi lần này, đội Công binh là lực lượng nòng cốt của đoàn QĐND Việt Nam tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này.
Đội Công binh - lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn
Quân số 30 người gồm 5 sĩ quan, 25 quân nhân chuyên nghiệp, các anh đều là những quân nhân có lập trường chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, sức khỏe tốt; nhiều người đã được đào tạo tiếng Anh, từng tham gia cứu hộ, cứu nạn...
Chuyến công tác cứu hộ, cứu nạn lần này, đội được biên chế nhiều trang bị, khí tài, thiết bị công binh hiện đại gọn nhẹ, tiện cơ động, chuyên dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn, như: Bộ dò tìm tổng hợp Seachcam 3000; ra đa xuyên đất; bộ dò tìm Trotsky; bộ cứu hộ thủy lực Weber...) cùng các vật chất bảo đảm sinh hoạt.
Đ.K (t/h)
Theo VietNamNet