Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 Việt Nam tử vong ở mức nào?

Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong trên cả nước vẫn ở mức thấp song tại một số tỉnh đang phương, tỉ lệ này đang tiệm cận thế giới.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 16/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thế giới ghi nhận gần 190 triệu ca mắc, trong đó có hơn 4 triệu ca tử vong, tương đương tỉ lệ tử vong 2,15.

Tại Việt Nam, với 225 ca tử vong trên tổng số hơn 44.000 ca mắc, tỉ lệ tử vong tương đương 0,51%.

Trong khu vực, tỉ lệ tử vong tại Malaysia là 0,75%, Thái Lan 0,8%, Campuchia là 1,6%, Indonesia 2,57, Philippines 1,77%...

“So với thế giới, tỉ lệ tử vong Việt Nam vẫn thấp hơn”, PGS Khuê nhận định.

Ông Khuê cho biết, trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân Covid-19 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị tại đợt dịch lần 4, tỉ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%; số ca thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.

Chỉ có 10-20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên trên số lượng bệnh nhân lớn, số lượng ca bệnh nặng cũng sẽ tặng.

Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 Việt Nam tử vong ở mức nào?-1
Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, dù tỉ lệ tử vong chung cả nước vẫn thấp nhưng tỉ lệ tử vong tại một số tỉnh đang tăng lên, như tại TP.HCM khoảng 0,6%, Đồng Tháp 1,54%.

“Điều này chứng tỏ tỉ lệ tử vong ở nước ta cũng tiệm cận số tử vong trên thế giới. Do vậy cần hết sức lưu ý với các bệnh nhân trở nặng”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Sơn cho biết, hiện các trường hợp F0 trên cả nước nói chung vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên qua theo dõi tại một số tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương… số ca mắc đang tăng nhanh và số F0 có có triệu chứng trở nặng đang tăng lên.

Đây là gánh nặng y tế rất lớn, đặc biệt tại TP.HCM hay Đồng Tháp, tỉ lệ bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở máy chức năng cao và phải can thiệp ECMO đang ngày càng tăng.

Tại TP.HCM, trong 1 tuần qua trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 1.300 bệnh nhân. Tổng số ca mắc toàn thành phố đợt dịch này đã vượt 23.000 ca, 142 ca tử vong, ngoài ra 246 ca đang thở máy, 7 ca phải can thiệp ECMO.

Đồng Nai đang có 575 bệnh nhân, tỉnh đã chuẩn bị 1.500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, song đến nay đã có hơn 800 bệnh nhân điều trị (bao gồm cả ca nhập cảnh).

Do đó, trong ngày hôm nay, tỉnh sẽ mở rộng thêm bệnh viện dã chiến số 4, 5 và 6 để có thể nâng công suất giường điều trị lên 3.000 bệnh nhân.

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã có hơn 2.100 F0, sau 7-8 ngày, số F0 lại tăng gấp đôi.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này lo tình hình sắp tới căng thẳng không kém gì TP.HCM do khu công nghiệp nhiều, ca bệnh đan xen và nhiều ca trong cộng đồng.

Vì vậy, tỉnh sẽ xây dựng thêm 3.000 giường điều trị Covid-19 trong 1 tuần tới và có kế hoạch nâng lên 10.000 giường với 2 ICU 100 giường điều trị ca nặng.

Tuy nhiên, ông Chương cho biết, vấn đề nhân lực hiện rất khó khăn do đảm trách cùng lúc nhiều nhiệm vụ từ truy vết, điều trị đến tiêm chủng.

Bình Dương cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy xét nghiệm, hoá chất và xin hỗ trợ thêm 200 cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương để phục vụ lấy mẫu trong các khu cách ly, điều trị ban đầu.

Để làm tốt công tác điều trị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, tất cả các địa phương, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống oxy, rà soát lại các phương án về khả năng cung ứng, sử dụng để báo cáo Bộ Y tế.

Riêng các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từ hạng 1 trở lên phải có trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ti-le-benh-nhan-covid-19-viet-nam-tu-vong-o-muc-nao-756759.html

COVID-19

Tin tức mới nhất