Tiệm mì cá viên cà ri không tên gần hai thập kỷ ở Sài Gòn

Tiệm mì của anh Hùng tại góc mũi tàu Nguyễn Trãi – Trần Phú (quận 5) không có tên, không gian chỉ đủ khoảng 10 người với bàn ghế inox, luôn sáng đèn trong 17 năm qua. Thực đơn của tiệm có nhiều món mì như: phá lấu lòng bò, bò viên cà ri, cá thác lác, gân bò, nhưng thương hiệu mì cá viên cà ri lại được nhiều thực khách biết đến nhất.

Đối với những thực khách ruột của cà ri thì hương vị ở món mì này được đánh giá là đậm đà. Ngay từ bước chân đầu tiên vào quán, mùi thơm đã xộc thẳng vào mũi. Theo lời chủ quán, gia vị cho món ăn do anh tự nghĩ ra, vì vậy mà khó tìm đâu được hương vị này ở Sài Gòn.

Cá viên sẽ được chiên sơ trước khi được thả vào nồi cà ri. Viên cá có độ giòn, ngọt nhưng khi ăn, thực khách còn cảm nhận vị cay và nồng từ nước sốt.

Tô mì không quá lớn, chỉ đơn giản gồm mì sợi, cá viên và vài cọng cải thìa. Cải thìa được trụng sẵn nhưng vẫn giữ được độ tươi xanh trước khi cho vào tô mì. Với người có sức ăn khỏe, ăn một tô lại muốn ăn thêm tô nữa mới bớt thòm thèm.

Tiệm mì cá viên cà ri và tiệm hủ tiếu 3 đời của người Hoa ở Sài Gòn-1
 Ảnh: Ivivu

Hương vị của món ăn còn được tạo nên bởi chén nước chấm thêm chút sa tế do chính chủ hàng chế biến với công thức riêng. Khi ăn, nhất định bạn phải chấm viên cá vào chén nước chấm này mới cảm nhận hết mùi vị món ăn.

Ngoài mì cá viên cà ri, bạn cũng có thể gọi thêm mì phá lấu lòng bò để đổi vị. Theo Ivivu, tuy giá cao so với mặt bằng chung của các tiệm mì bình dân, 40.000 đồng cho một phần, nhiều thực khách vẫn tìm đến quán để thưởng thức cái vị duy nhất chỉ có ở đất Sài thành.

Tiệm ăn người Hoa ba đời bán hủ tiếu ở Sài Gòn

Tuy nằm ngay mặt tiền đường Yersin, quận 1, tiệm ăn của gia đình ông Viên Kiêm Toàn (ngoài 60 tuổi) không bề thế mà nằm gọn trong căn nhà nhỏ chừng 10 mét vuông. Bàn ghế cho khách ngồi ăn được xếp kín từ trong ra ngoài.

Ông Toàn cho biết, quán do thân sinh của ông mở cách đây hơn 60 năm. Công thức nấu nướng không có gì đặc biệt, ông học lại từ ba mẹ rồi truyền cho con trai. Tuy nhiên, để cho ra nồi nước lèo thơm ngọt tự nhiên, quán dùng nhiều xương heo để hầm, không có bột nêm. Các nguyên vật liệu cũng được mua sớm ở chợ để chọn được loại tươi nhất.

Tiệm mì cá viên cà ri và tiệm hủ tiếu 3 đời của người Hoa ở Sài Gòn-2
Thực đơn của quán gồm các món hủ tiếu, mì ăn kèm với thịt hoặc tim, gan, cật… Mỗi suất ăn có giá dao động khoảng 35.000 đồng. Ảnh: VNE

Không giống như hầu hết tiệm ăn người Hoa, địa chỉ này không có chiếc xe đẩy thường thấy mà kê một chiếc bàn để bày các vật dụng. Chiếc tủ kính nhỏ để các nguyên vật liệu. Kế bên là bếp và nồi nước lèo to, luôn toả khói nghi ngút. Ông Toàn cho hay, gia đình ông tự tay làm mì mỗi ngày để bán. Sợi mì có màu vàng ươm, thoảng thơm mùi trứng.

Thực đơn của quán gồm các món hủ tiếu, mì ăn kèm với thịt hoặc tim, gan, cật… Mỗi suất ăn có giá dao động khoảng 35.000 đồng. Bạn cũng có thể gọi tô hủ tiếu khô được phục vụ kèm một tô nước lèo. Bên trong phần ăn có nhiều giá trụng và xà lách. Sợi hủ tiếu trụng chín mềm, trộn đều và không bị dính.

Trên bàn ăn để sẵn hai chai nước chấm có nắp xanh và đỏ. Đó là giấm và xì dầu. Tuỳ theo sở thích, bạn có thể thêm vào để món ăn đậm đà hơn. Tuy nhiên, nếu ăn không quen, bạn sẽ cảm thấy mất ngon nếu cho quá nhiều loại gia vị này.

Theo Dân Việt