Cách đây hơn 500 năm, một thiếu nữ 14 tuổi đã được đưa tới một trong các đỉnh núi của dãy Andes và hiến tế cho các vị thần Inca.
Được chôn cất cùng với các lễ vật khác, thi thể của cô gái trẻ được ướp xác tự nhiên, qua thời gian vẫn giữ được tóc, móng tay và những sợi dây đầy màu sắc mà cô đeo trong ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Dù vậy, trải qua hàng thế kỷ, khuôn mặt của cô gái chịu tác động của các yếu tố thời tiết như ánh mặt trời và tuyết rơi nên một số đặc điểm đã biến mất.
Hiện nay, khuôn mặt của cô gái đã được khôi phục nhờ các phân tích khảo cổ chi tiết và tái tạo khuôn mặt pháp y. Đây là quá trình tái tạo khuôn mặt của một cá nhân từ bộ xương còn lại của họ thông qua sự kết hợp của nghệ thuật, nhân chủng học, xương và giải phẫu học.
Một bức tượng 3D ấn tượng của cô gái trẻ, còn được gọi là Thiếu nữ đóng băng của Ampato, đã trở thành tuyệt tác triển lãm mới ở Peru và là một phần trong nỗ lực để hiểu về tập tục hiến tế người ở vùng núi Andes cách đây một nửa thiên niên kỷ.
Khuôn mặt của cô gái đã được khôi phục nhờ các phân tích khảo cổ chi tiết và tái tạo khuôn mặt pháp y. Ảnh: Reuters
Khi nhà thám hiểm Johan Reinhard của National Geographic bắt gặp xác ướp của cô gái trẻ, còn được biết tới là Juanita, ở trên đỉnh núi Ampato cao hơn 6.400 mét trong chuyến thám hiểm năm 1995, ông biết rằng mình đã phát hiện ra một điều gì đó vô cùng đặc biệt.
"Lúc đầu nó trông giống như như một bọc vải lớn", Reinhard nhớ lại. Sau đó ông đã nhìn thấy một khuôn mặt nhăn nheo giữa lớp vải. Đó là một nạn nhân trẻ tuổi của một nghi thức chỉ có riêng ở người Inca được gọi là capacocha.
"Lúc đầu nó trông giống như như một bọc vải lớn", Reinhard nhớ lại. Ảnh: National Geographic
Capacocha là một nghi thức hiến tế quan trọng của người Inca thường liên quan đến việc hiến tế trẻ em và động vật cho các vị thần để tránh các thảm họa tự nhiên và củng cố quyền lực nhà nước tại các tỉnh xa xôi của đế chế Inca hoặc chỉ đơn giản là lấy lòng các vị thần.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc được lựa chọn để hiến tế sẽ được coi là một vinh dự với gia đình và cộng đồng của đứa trẻ.
Cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Tây Nam Mỹ dọc bờ biển Thái Bình Dương và dãy núi Andes, đế chế Inca từng là một đế chế hùng mạnh và giàu có cho tới khi Tây Ban Nha xâm lược năm 1532.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những xác ướp tự nhiên thường cho các nhà khoa học các manh mối về những ngày cuối cùng của họ.
Khi nhà khảo cổ học Dagmara Socha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Andes, Đại học Warsaw cùng các đồng nghiệp tiến hành phân tích các nạn nhân bị hiến tế là một đứa trẻ ở tuổi tập đi và 4 đứa trẻ từ 6 -7 tuổi, họ thấy rằng chúng đã được chăm sóc cẩn thận vào những tháng trước khi được đưa đi hiến tế và có một chế độ ăn gồm lá coca, nho ayahuasca gây ảo giác và rượu trong những tuần trước khi chết với một lượng không quá nhiều để giúp chúng an thần và không lo âu.
"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Đây không phải chỉ là một cuộc hiến tế tàn bạo, Người Inca muốn những đứa trẻ có tâm trạng tốt. Một điều quan trọng với họ là chúng sẽ hạnh phúc đi về phía các vị thần", nhà khảo cổ học Socha cho hay.
Một trong những chuyên gia nghiên cứu xác ướp hàng đầu của Peru - Sonia Guillen chụp ảnh Thiếu nữ Inca. Ảnh: National Geographic
Oscar Nilsson - nhà điêu khắc và cũng là một nhà khảo cổ học cho biết ông sẽ không bao giờ quên cách mà Thiếu nữ Inca đã chết, thậm chí cả khi ông đã mang đến cuộc sống cho cô qua quá trình phục dựng của mình.
"Cô ấy biết mình nên mỉm cười để thể hiện niềm tự hào. Tự hào vì là người được lựa chọn. Nhưng vẫn rất rất sợ hãi", nhà điêu khắc Nilsson nói.
Theo VOV