Tôi ân hận vì chọn "đũa lệch"

Chưa bao giờ tôi nói với mẹ hay với chồng rằng tôi ân hận vì cuộc hôn nhân đó, nhưng thực tế tôi đang ân hận…

Chưa bao giờ tôi nói với mẹ hay với chồng rằng tôi ân hận vì cuộc hôn nhân đó, nhưng thực tế tôi đang ân hận…
Chưa bao giờ tôi nói với mẹ hay với chồng rằng tôi ân hận vì cuộc hôn nhân đó,
nhưng thực tế tôi đang ân hận…

Tôi tốt nghiệp đại học, học xong đi làm tôi yêu một người đàn ông hơn tôi 2 tuổi, nhưng anh chỉ học hết cấp 3. Bù lại, anh đẹp trai, trắng trẻo và dẻo mép. Anh nói yêu tôi, và tôi thì yêu cái vẻ bề ngoài của anh. Tôi chẳng nghĩ được gì khác ngoài mong muốn làm vợ anh.
Bố mẹ tôi phản đối, mẹ tôi cũng phân tích cho tôi rất nhiều giống như bố mẹ em Vân đã từng nói với Vân bây giờ, nhưng tôi vẫn không nghe. Bố mẹ còn nhờ cả cô, dì, chú, bác và bạn bè của tôi tác động để tôi bỏ anh, nhưng tôi vẫn không bỏ.
 
Không nói được tôi, bố mẹ quay sang nói người yêu tôi, mỗi lần anh đến nhà là bố mẹ tôi mắng, nói như đuổi về để anh thấy thế mà không tiếp tục yêu đương tôi, nhưng anh vẫn cứ đến.
 
Trong khi bố mẹ tôi tìm đủ mọi cách để cấm cản, kể cả việc không chấp nhận tôi là con nếu tôi vẫn quyết tâm lấy anh, nhưng tôi vẫn không chia tay với anh. Tôi cứ nghĩ đơn giản, có tình yêu người ta sẽ có hạnh phúc khi sống bên nhau.
 
Thời gian đó, bố mẹ tôi rất đau lòng và tiều tụy đi nhiều, có những lần mẹ vừa nói vừa khóc và như van xin tôi, bởi người yêu tôi không chỉ không học hành gì mà lại còn nhà nghèo, đông anh em. Mẹ sợ tôi sẽ khổ.
 
Nhưng tôi vẫn quyết tâm xin bố mẹ cho tôi cưới anh, chưa bao giờ bố mẹ đánh tôi, vì tôi là một cô gái ngoan ngoãn từ bé, lúc nào cũng chăm chỉ học hành, làm học sinh giỏi 10 năm phổ thông, làm cho bố mẹ rất hài lòng,… nhưng lần đó bố mẹ đã đánh tôi.
 
Cái tát thật đau đến bây giờ tôi vẫn nhớ, mẹ nói với tôi rằng: “Mày thích thì cứ lấy đi, sướng khổ đừng về đây kêu bố mẹ!” Rồi mẹ khóc, và tôi cũng khóc.
 
Đám cưới của tôi được tổ chức sau đó, ai cũng khen chúng tôi đẹp đôi, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài, còn bên trong nó là cả một sự “khập khiễng”. Cưới nhau về, tôi và chồng không tìm được tiếng nói chung, trong khi tôi nhìn vấn đề sâu sắc và xa xôi hơn thì chồng tôi lại hời hợt, anh bê trễ mọi việc và tự ti với trình độ của mình nên chẳng đi xin việc ở đâu.
 
Suốt ngày anh ở nhà, đi lang thang tán dốc với bạn bè, và nghen tuông bóng gió với tôi, anh nghĩ ra đủ chuyện, anh cho rằng mình kém cỏi và lo lắng lúc đi làm tôi hẹn hò với ai đó, rồi sẽ có ngày tôi bỏ rơi anh.
 
Tôi phải vất vả lắm mới xin được việc cho chồng và kéo chồng ra khỏi những suy nghĩ quái dở đó. Bây giờ chồng tôi cũng đi làm, cũng có thu nhập, nhưng thu nhập của anh chỉ đủ cho chi tiêu của bản thân anh trong một tháng, có khi còn thiếu. Còn lại mọi chi tiêu trong gia đình, con cái, đều phải dựa vào đồng lương của tôi.
 
Gần 10 năm sau ngày lấy chồng, ngoài 2 đứa con, vợ chồng tôi chẳng sắm sửa được thứ gì, vẫn ở trong cái gian nhà cũ kỹ bố mẹ đẻ tôi mua cho sau 2 năm chúng tôi làm đám cưới.
 
Mỗi lần đến chơi, thăm con, thăm cháu, mẹ đẻ tôi lại đưa cho tôi tiền, có lần tôi nhận, có lần không dám nhận,… và kể cả nhận hay không nhận thì nhìn vào ánh mắt mẹ tôi biết mẹ đang rất buồn, rất lo lắng cho tương lai của tôi.
 
Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi ân hận vì cuộc hôn nhân này với mẹ, vì tôi sợ mẹ buồn, tôi cũng chưa bao giờ dám nói với chồng rằng ân hận vì đã làm vợ anh, nhưng thực sự tôi cảm thấy vô cùng ân hận. Cảm ơn Vân, cảm ơn diễn đàn của Báo Đất Việt đã cho tôi có cơ hội để kể câu chuyện của mình.

Theo Đất Việt

Tin tức mới nhất