'Tôi cả đời không tha thứ cho mình khi để Cá voi xanh giết con trai'

20 ngày trước khi chết vì thử thách "Cá voi xanh", Karan Thakur (16 tuổi, Ấn Độ) nói với cha mẹ rằng cậu đang nghiện một trò chơi và khẩn thiết xin được gặp bác sĩ tâm thần.


Giới trẻ Việt: "Có điên mới tham gia trào lưu Cá voi xanh": Trước thông tin có thể thử thách "Cá voi xanh" đã đến Việt Nam, nhiều bạn trẻ chia sẻ với Zing rằng họ thấy trò này quá điên rồ, không dại gì chơi thử.

Đối với Devinder Thakur, thật khó để chấp nhận sự thật anh có thể cứu mạng con trai Karan (16 tuổi) bằng cách nghiêm túc cảnh báo cậu bé về trào lưu nguy hiểm mang tên "Cá voi xanh".

Theo Indiatimes, Karan Thakur được phát hiện treo cổ tự tử trên móc quạt trần tại nhà nằm ở huyện Panchkula (bang Haryana, Ấn Độ) hôm 25/9/2017.

Cảnh sát tìm thấy cuốn sổ có vẽ hình một cậu bé tự sát bằng nhiều cách như nhảy từ tòa nhà cao tầng, treo cổ trên móc quạt trần, đứng đợi tàu hỏa tại đường ray, lao đầu vào xe và rạch cổ tay.

Bên cạnh đó, cậu bé để lại nét chữ nguệch ngoạc: "Tôi nên chết đi", "Tôi không xứng đáng được sống". Gia đình nạn nhân khai báo cậu dính vào một trò chơi gây nghiện, được cho là "Cá voi xanh".

Mất người thân vì xem nhẹ "Cá voi xanh"

Devinder Thakur thất thần nói với Indianexpress rằng anh sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân vì đã không đưa Karan đến gặp bác sĩ tâm lý kịp thời.

20 ngày trước khi treo cổ tự tử, Karan nói với cha mẹ rằng cậu nghiện một trò chơi và khẩn thiết xin tới gặp bác sĩ. Gia đình đã đưa cậu bé đến bệnh viện nhưng sau đó trở về mà không gặp bác sĩ do phải xếp hàng chờ lâu.


Anh Devinder Thakur đau đớn khi không thể bảo vệ con trước thử thách "Cá voi xanh". Ảnh: Indiatimes.

"Hôm đó ở bệnh viện, nhân viên không may viết nhầm số phòng khám chúng tôi cần tới. Chúng tôi tốn khá nhiều thời gian đi lòng vòng và đến đúng nơi khi đã có rất đông người xếp hàng chờ vào khám. Karan nói rằng tình trạng của con không khẩn cấp và chúng tôi có thể đến vào hôm khác", Thakur nhớ lại.

Người cha mất con không nén nổi đau thương, run rẩy nói: "Nếu hôm sau tôi theo sát và đưa con tới gặp bác sĩ tâm lý, giờ con vẫn còn trên cõi đời này. Tôi không coi tình trạng của con là nghiêm trọng… Đến tận cuối đời tôi cũng không thể tha thứ cho bản thân".

Không khí ảm đạm, tang thương bao trùm căn nhà nhỏ của Thakur. Những người hàng xóm tới chia buồn đứng lặng lẽ trước di ảnh của cậu bé 16 tuổi vừa dại dột bỏ lại tương lai phía trước.


Em họ của Karan Thakur cho hay ít ngày trước khi chết, cậu từ bỏ thói quen cùng em dắt chó đi dạo vào buổi tối và hạn chế giao tiếp với mọi người. Ảnh: Indiatimes.

Cái chết đột ngột của Nadia (tên nhân vật đã thay đổi, 16 tuổi, ở bang Georgia, Mỹ) vào một buổi sáng tháng 5/2017 khiến người thân bàng hoàng, đau xót. Anh trai Marty tìm kiếm trong căn phòng của em gái quá cố với hy vọng tìm nguyên nhân khiến cô tự kết liễu đời mình.

Marty tìm thấy nhiều bản vẽ và dòng chữ kỳ lạ trong nhật ký của Nadia. Trong đó, bản phác thảo chân dung một cô gái kèm tên bằng tiếng Nga khiến anh chú ý.

Gõ dòng chữ tiếng Nga vào trang tìm kiếm trên Internet, Marty biết về câu chuyện của Rina Palenkova - thiếu nữ 17 tuổi đã đăng tải ảnh selfie "tạm biệt" trước khi tự tử ở Nga vào tháng 11/2015. Bức ảnh lan truyền trên trang mạng xã hội VK.com thời điểm đó và khơi ra kẻ sát nhân đằng sau đó là thử thách "Cá voi xanh".

Marty nhớ lại lúc em gái còn sống có dán hình cá voi xanh cạnh chiếc gương trong phòng. Hàng loạt bản vẽ cá voi kèm dòng chữ "I am a blue whale" (Tôi là cá voi xanh), các cách tự tử, lời tạm biệt và nhiều dòng chữ bằng tiếng Nga lần lượt được phát hiện.


Nadia cất giấu bí mật vào những bức vẽ mà chỉ được gia đình phát hiện ra sau khi cô tự sát. Ảnh: CNN.

Nadia cất giữ bí mật về "Cá voi xanh" trong các bức vẽ, chỉ được gia đình phát hiện sau khi cô tự kết liễu đời mình.

"Không ai trong gia đình tôi biết về trò chơi 'Cá voi xanh'. Tôi dùng mạng khá nhiều nhưng không bắt gặp, cho tới khi nó cướp đi sinh mạng em gái mình", Marty đau đớn nói.

Chàng trai ân hận vì dấu hiệu của "Cá voi xanh" xuất hiện rất nhiều khi Nadia thường đưa hình tượng này vào tranh vẽ, song không ai nhận thấy sự bất thường bởi cô là nghệ sĩ, vẽ nhiều là điều bình thường. Marty tự trách mình không xâu chuỗi những gì liên quan tới "Cá voi xanh" sớm để cứu mạng em gái.

Đừng trở thành miếng mồi cho "Cá voi xanh"

Thực tế, số nạn nhân thoát khỏi thử thách chết người "Cá voi xanh" không nhiều và hầu hết họ đều không thể tự thoát ra.

Người may mắn thoát chết Alexander (22 tuổi, ở Puducherry, Ấn Độ) từng nhiều lần loay hoay tự cứu bản thân nhưng "Cá voi xanh" cùng lời đe dọa từ quản trị viên như "gông xiềng" níu chân anh lại, kéo anh dần về phía tử thần.

Nhiều chuyên gia và nhà tâm lý nhận định một số nguyên nhân khiến giới trẻ bị dụ dỗ tham gia "Cá voi xanh" là tác động của mạng xã hội; tâm lý thích sống ảo, chơi trội; thiếu sự quan tâm của gia đình; cô đơn, trầm cảm.

Chuyên gia cùng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh giám sát chặt chẽ con cái trong độ tuổi vị thành niên, nhất là trong việc sử dụng Internet, để kịp phát hiện biểu hiện bất thường.


Mạng xã hội là công cụ khiến "Cá voi xanh" lan truyền. Bởi vậy, nhiều chuyên gia đề xuất giải pháp ngăn chặn "đại dịch" này từ việc kiểm soát tần suất và cách khai thác thông tin qua kênh này. Ảnh: Indiaexpress.

Devinder Thakur không muốn đứa trẻ nào trở thành con mồi của "Cá voi xanh" giống như con trai đã mất của mình.

Anh nói: "Tôi chỉ hy vọng các bậc cha mẹ đừng cho phép con cái sử dụng smartphone trước năm 20 tuổi".

Tiến sĩ Dan Reidenberg - giám đốc điều hành Suicide Awareness Voices of Education (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống tự tử) - cảnh báo cha mẹ cần theo dõi con để kịp thời phát hiện biểu hiện bất thường.

Ông khuyến khích phụ huynh hỏi trực tiếp con em mình có chơi "Cá voi xanh" hay biết bạn bè nào đang tham gia không. Nam tiến sĩ cũng khuyên mọi người không cần hoảng loạn, mà giữ thái độ bình tĩnh, thận trọng cảnh báo mọi người, theo CNN.

Bà Jane Pearson - chủ tịch Viện Nghiên cứu Tự sát về Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - cảnh báo: "Trẻ em thường không biết về những 'kẻ săn mồi trực tuyến' sẽ lôi chúng vào bi kịch. Chúng tôi muốn khuyến khích phụ huynh nói chuyện với con cái của họ về cách bảo vệ bản thân an toàn khi sử dụng Internet".


Các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ theo sát việc sử dụng Internet của con em mình để bảo vệ chúng trước "Cá voi xanh" và các mối hiểm họa khác. Ảnh: Forbes.

Unicef Ấn Độ đưa ra 11 lời khuyên giúp cha mẹ bảo vệ con trước "đại dịch Cá voi xanh":

1. Nắm thông tin chính xác là điều rất quan trọng. Giữa lượng thông tin lớn xung quanh trào lưu nguy hiểm này, cần trò chuyện và tương tác để con hiểu đúng về nó và tránh xa.

2. Đảm bảo con truy cập trang web phù hợp với lứa tuổi và không kích thích hành vi bạo lực hoặc phi đạo đức.

3. Luôn đảm bảo con truy cập Internet từ máy tính được đặt trong nhà.

4. Trò chuyện với con thường xuyên hơn. Cùng con khám phá thế giới ảo và tham gia các hoạt động thú vị, tích cực và an toàn.

5. Giám sát tất cả thiết bị điện tử con sử dụng. Theo dõi thời gian sử dụng máy tính và hoạt động của con trên mạng.

6. Hãy ý thức về hoạt động trên mạng của bản thân để làm gương cho con.

7. Trao đổi với các phụ huynh khác về vấn đề mình bận tâm nếu có và thảo luận để tìm ra cách tốt nhất giúp con.

8. Luôn cập nhật các hiện tượng mạng mới nhất.

9. Giám sát chặt chẽ hành vi của con. Nếu nhận thấy mọi thay đổi bất thường về tâm trạng, giao tiếp hàng ngày, lơ là học tập dẫn tới kết quả sa sút..., hãy theo sát hoạt động trên mạng của con. Hãy trao đổi với phía trường con đang theo học hoặc tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học trẻ em.

10. Nếu phát hiện con đã tham gia "thử thách Cá voi xanh", lập tức ngăn con sử dụng Internet.

11. Trình báo cảnh sát địa phương về tình trạng của con và xin tư vấn về các biện pháp an toàn tiếp theo.

Thử thách "Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 3 năm trước.

Qua mạng xã hội, quản trị viên (admin) dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi phải chụp ảnh để làm bằng chứng gửi admin.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.

Theo Zing


trào lưu giới trẻ tự sát Mạng xã hội

Tin tức mới nhất