Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ điều này sau thông tin TP.HCM kịp thời phát hiện 2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia và đến Bệnh viện Từ Dũ để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cũng cho biết qua sự việc này, thành phố xác định sẽ còn nhiều trường hợp khác khai báo y tế không chính xác.

"TP.HCM có nguy cơ cao hơn các tỉnh vùng biên giới"

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều yếu tố khiến TP.HCM trở thành địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.

Các tỉnh phía Tây Nam có chung biên giới với Campuchia đang tăng cường chốt chặn và thắt chặt đường mòn, lối mở. Do đó, những trường hợp nhập cảnh trái phép lọt qua biên giới bằng đường mòn, lối mở sẽ không chọn trú tại địa phương mà tìm cách di chuyển thẳng đến TP.HCM bằng xe khách.

Bên cạnh đó, người dân tại các nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia thường chọn sang Việt Nam khám, chữa bệnh. Các bệnh viện lớn ở TP.HCM là lựa chọn gần như ưu tiên hàng đầu.

TP.HCM đối mặt nguy cơ bùng phát dịch Covid-19-1
Lực lượng bộ đội biên phòng kiểm tra tàu cá của ngư dân trên vùng biển gần cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Hoàng Giám.

Chuyên gia này cho biết nhiều tháng trước, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng phát hiện một người nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Bệnh nhân này không biết tiếng Việt và đi cùng thông dịch viên.

Nhận thấy yếu tố dịch tễ nghi ngờ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 1 lập tức tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. May mắn, hai người này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

"TP.HCM có nguy cơ rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với các tỉnh giáp biên giới nước láng giềng. Bởi thành phố là đầu mối giao thông, đầu mối y tế. Từ trước đến nay, người dân Campuchia qua Việt Nam và TP.HCM khám, chữa bệnh rất nhiều", bác sĩ Khanh nói.

Đồng quan điểm này, khi phân tích các nguy cơ hiện tại của TP.HCM, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhận định so với Hà Nội hay các địa phương khác, TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng rất cao.

Ông cho biết hiện tại, người nhập cảnh trái phép đi về bằng rất nhiều đường dưới nhiều hình thức. Nhiều người xâm nhập sâu vào nội địa mới bị phát hiện. Trong đó, không ít người dương tính với SARS-CoV-2.

"Điều chúng ta lo lắng hiện tại là người dương tính với SARS-CoV-2 không triệu chứng chiếm đa số. Do đó, chúng ta rất khó phát hiện sớm. Chính điều này khiến virus xâm nhập và lây lan âm thầm trong cộng đồng", tiến sĩ Lê Quốc Hùng nói.

TP.HCM đối mặt nguy cơ bùng phát dịch Covid-19-2
Chuyên gia đánh giá TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao do là đầu mối giao thông, y tế và dân sinh. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông, TP.HCM còn là nơi có nhiều bệnh viện lớn, nhiều người mắc bệnh nặng. Những người bệnh nặng, không có khả năng điều trị ở tuyến dưới điều được chuyển lên thành phố.

"Những người này có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém và dễ lây nhiễm nếu có ca dương tính trong bệnh viện. Vì vậy, nếu TP.HCM có ca nhiễm trong cộng đồng và lọt vào bệnh viện, đây sẽ là nơi 'vỡ trận' kinh hoàng nhất", bác sĩ Hùng phân tích.

Cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, để giữ thành phố yên bình, người dân cần tăng cường phát hiện và tố giác trường hợp nhập cảnh trái phép với ngành y tế và cơ quan chức năng.

"Các gia đình nên vận động thân nhân đang ở nước ngoài không nhập cảnh trái phép. Người dân ở nước ngoài có nguyện vọng hồi hương hãy nhập cảnh qua đường chính ngạch để được cách ly và giám sát y tế. Điều này giúp chúng ta phòng bệnh cho bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ cộng đồng", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng một điểm đặc biệt chúng ta cần quan tâm là những trường hợp về từ nước ngoài chưa được cách ly y tế hoặc nhập cảnh trái phép đến TP.HCM để khám, chữa bệnh. Họ sẽ lưu trú tại khu nhà trọ gần bệnh viện.

Sự đông đúc tại các khu nhà trọ càng khiến việc kiểm soát người ra vào, người lạ mặt của cơ quan chức năng khó khăn hơn.

TP.HCM đối mặt nguy cơ bùng phát dịch Covid-19-3
Nhân viên y tế tại TP.HCM đưa người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 đi cách ly tập trung lúc đầu tháng 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông cảnh báo các cơ sở y tế trong giai đoạn này cần cảnh giác, phản xạ tốt thông qua thông tin dịch tễ, giọng nói, tiền sử bệnh và đưa cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 ngay.

“Nguy cơ bùng phát dịch còn nhiều và sẽ kéo dài đến khi nào nước láng giềng ổn định thì chúng ta mới yên tâm. Trong thời gian này, chúng ta cần nhanh chóng tiêm vaccine Covid-19 để người nguy cơ cao có miễn dịch", bác sĩ Khanh phân tích.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cũng nhận định: "TP.HCM như vùng trũng, nơi tập trung hầu hết nguy cơ thể bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy, các chủ trương của thành phố, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia luôn hướng đến sự cảnh giác mức độ cao nhất, đảm bảo an toàn nhất trong phòng, chống dịch".

Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các cơ sở y tế phía Nam. Các bệnh viện cũng liên tục tổ chức đợt kiểm tra chéo, đánh giá độ an toàn dựa trên bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Khối dự phòng và điều trị TP.HCM đang rất nỗ lực phối hợp nhằm bảo vệ sự bình yên cho thành phố cũng như người dân cả nước.

Theo Zing