Những ngày gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội của sinh viên liên tục có những bài viết phản ánh, cảnh báo nhau về vấn nạn "biến thái trên xe buýt". Những bài viết cảnh báo này thu hút sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của cộng đồng mạng.
Sáng 11/3, H.T.T. (nhân vật đã được đổi tên), một nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã đăng trên Facebook việc bị một nam thanh niên quấy rối.
Trao đổi với phóng viên sau đó, T. cho biết sự việc xảy ra vào chiều 10/3 khi T. đang đi trên chiếc xe buýt số 33 (từ trạm KTX Khu A ĐHQG TP.HCM về trạm KTX khu B ĐHQG TP.HCM).
"Lúc đó xe khá vắng, một nam thanh niên mang balo phía trước, tay xách theo bịch đồ lên xe ngồi xuống cạnh tôi. Lát sau, tôi cảm thấy đùi âm ấm. Nghi ngờ có người đụng chạm vào cơ thể mình nên tôi đưa tay xuống kiểm tra thì chạm phải tay người đó", nữ sinh viên T. kể.
Khi phát hiện, T. hét lên rồi đánh kẻ biến thái, còn người kia liên tục chối bỏ hành vi của mình. Sau khi bị nữ sinh viên "chất vấn", nam thanh niên lại đổ lỗi do T. "ăn mặc mát mẻ" nên mới vậy.
Nhiều sinh viên nữ liên tục bị động chạm cơ thể trên xe buýt (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Ngay sau bài viết của T., nhiều nữ sinh viên cho biết mình cũng từng là nạn nhân của quấy rối. N.H. (sinh viên Trường Đại Học Khoa học Xã Hội & Nhân văn TP.HCM) kể đã rơi vào trường hợp tương tự hôm 12/3.
Cụ thể, khi N.H. đang đi trên chiếc xe buýt số 8 để đến bến xe ĐHQG TP.HCM, mặc dù còn rất nhiều ghế trống nhưng một nam thanh niên vẫn đi thẳng về phía H. và ngồi cạnh nữ sinh viên.
"Lúc đó tôi vừa nghe nhạc vừa chơi game nên tôi không chú ý lắm. Lúc sau, tôi cảm nhận được có người đang táy máy tay chân với mình. Tôi hoảng sợ lắm, muốn im lặng nhưng nếu vậy thì kẻ xấu lại có động lực đi làm bậy. Tôi lấy hết can đảm và huých mạnh một cái, người đó hoảng lên rồi đứng phắt dậy bấm chuông xuống xe", N.H. cho hay.
Một trường hợp khác, theo T.Đ.T.N. (cũng là nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), mới đây bạn đi xe buýt qua quận 5, có một thanh niên lại ngồi bên cạnh và liên tục có hành động áp sát. Tới khi N. phản ứng quyết liệt thì kẻ này mới đứng dậy bỏ đi.
Ngay bên dưới các chia sẻ về tình trạng bị lợi dụng quấy rối, nhiều sinh viên nữ tỏ ra vô cùng lo lắng.
"Mình rất bất an trước tình trạng này. Xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của rất nhiều sinh viên, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và công việc, học tập của các bạn nữ", tài khoản Ngọc Mai bày tỏ.
Theo Người Lao Động