Bức xúc với trang phục sai lệch tín ngưỡng

Trong bộ phim 404 Chạy ngay đi, lần đầu Uyển Ân "xuất ngoại", hợp tác cùng đoàn phim xứ Chùa Vàng, hóa thân thành nhân vật ma. Điều đáng nói là tạo hình nhân vật của Uyển Ân vấp phải phản ứng trái chiều từ khán giả. Tạo hình nhân vật lấy khăn áo (trang phục) của Chầu Đệ Nhị - một vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Nhưng nhân vật Uyển Ân diễn lại là một con ma.

Với tạo hình mới lạ này, tưởng chừng Uyển Ân sẽ ghi điểm nhờ sự biến hóa trong vai diễn. Thế nhưng khi diện kiến bộ trang phục của cô trong phim, nhiều netizen lại phản ứng gay gắt, thậm chí đòi "tẩy chay" vì đây là trang phục thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu - một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng tạo hình này làm sai lệch, thậm chí báng bổ tín ngưỡng thờ Mẫu.

"Thế khác gì bảo Thánh là ma", "Mặc quần áo Thánh xong đi đóng phim ma khác gì phỉ báng đạo Mẫu", "Xây dựng hình ảnh Thánh cô ma mị, kinh dị không phù hợp, trái với văn hóa mà vẫn nhận diễn cho được", "Xúc phạm Tứ phủ Thánh Mẫu Việt Nam"... là một số bình luận của khán giả.

Một người xem tỏ ra bức xúc: "Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên diễn viên mặc trang phục của đạo Mẫu và đóng vai ma là không chấp nhận được".

Trang phục trong phim làm sai lệch tín ngưỡng thờ Mẫu: Không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật-1
Tạo hình gây tranh cãi của Uyển Ân trong phim

Song, bên cạnh đó, cũng có những ý kiến bênh vực nữ diễn viên, cho rằng phim ảnh chỉ mượn chất liệu để sáng tạo. Bản thân vai diễn của Uyển Ân cũng không mang ý đồ phỉ bảng hay bôi nhọ tín ngưỡng thờ Mẫu. Số khác cho rằng đây không phải lỗi của Uyển Ân, vì trang phục hoàn toàn là do ê-kíp chuẩn bị.

Giữa lúc nhân vật trở thành tâm điểm bàn luận, nữ diễn viên sinh năm 1999 đã lên tiếng giải thích: "Về những ý kiến liên quan tới bộ trang phục của Ân trong 404 Chạy ngay đi, cho phép Ân chia sẻ một vài điều: Đây là một bộ trang phục được sử dụng trong phim và không nhắc tên một nhân vật cụ thể nào. Phim ảnh là thế giới tưởng tượng của đạo diễn và nó không hề có liên quan tới cuộc sống bên ngoài. Khán giả điện ảnh sẽ không vì vậy mà nghĩ sai về văn hóa vì đó là phim. Với một bộ phim đã qua kiểm duyệt từ cơ quan văn hóa, những người có chuyên môn về phim ảnh, chắc chắn những điều không được phép xuất hiện sẽ không thể xuất hiện. Mọi người cứ yên tâm rằng một chi tiết nhỏ nhạy cảm cũng sẽ bị cắt đi trước khi được phép ra rạp tại Việt Nam".

Hiện, bài đăng về phim trên trang cá nhân của Uyển Ân nhận về hàng nghìn lượt phẫn nộ. Nữ diễn viên cũng phải khóa bình luận trên trang Facebook cá nhân.


Không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật

Nghệ nhân ưu tú, TS. Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Văn hóa truyền thống, Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam - khẳng định sự việc này cần nhìn theo hai hướng: Tích cực và tiêu cực.

"Điều tích cực là họ muốn tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân gian của chúng ta. Nếu phân đoạn trong phim thể hiện tốt, khán giả quốc tế có thể hiểu thêm về nghi thức hầu đồng - một trong những khía cạnh quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Yếu tố trang phục, âm nhạc và hoạt động lúc thực hiện nghi lễ mang tính nghệ thuật cao. Tất cả nếu được thể hiện đúng với tinh thần, nghi thức sẽ tạo được sự đồng cảm của khán giả và khiến phim có chiều sâu ý nghĩa", TS. Nguyễn Đức Hiển cho hay.

Trang phục trong phim làm sai lệch tín ngưỡng thờ Mẫu: Không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật-2
Cần phát huy và bảo tồn Tín ngưỡng nghiêm túc, chuẩn mực. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông khẳng định nếu làm không đúng bản chất của tín ngưỡng thì có thể gây hiểu lầm và tạo ra sự phản cảm. Ông nêu ví dụ về việc mặc trang phục không đúng bối cảnh, địa điểm. Việc thương mại hóa văn hóa tâm linh cũng khiến tình trạng sai lệch xảy ra. "Họ chỉ quan tâm, sử dụng trang phục, âm thanh trong Đạo Mẫu để tạo hiệu ứng thị giác mà không tôn trọng giá trị tâm linh cũng khiến phim bị chỉ trích. Tôi cho rằng khi làm về những vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo sự tư vấn của các chuyên gia", TS. Nguyễn Đức Hiển nhận định.

Vị chuyên gia này cho rằng trong trường hợp của Uyển Ân, nữ diễn viên cần lên tiếng giải thích để khán giả hiểu rõ lý do sử dụng trang phục này. Liệu điều này là ý kiến cá nhân hay mong muốn của ê-kíp làm phim? Ngoài ra, Uyển Ân có thể liên lạc với nhà sản xuất để cắt bỏ phân đoạn phim liên quan tới phục trang Đạo Mẫu, thay vào đó bằng trang phục phù hợp với nội dung bộ phim.

Khi nhìn những hình ảnh và video được đăng trên các phương tiện truyền thông, ông Đặng Quang Tuấn, thủ nhang Đền Mẫu Khuôn (Phú Thọ) bày tỏ: "Là những người con của đạo Mẫu, chúng tôi không đồng tình với hành vi mặc trang phục hầu Thánh mà không gìn giữ hành vi chuẩn mực. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có ý kiến rõ ràng về việc mang trang phục của đạo Mẫu để đóng ma đóng quỷ, làm khán giả hiểu sai về tín ngưỡng Thờ Mẫu cao đẹp, là di sản đã được UNESCO ghi danh". Ông Đặng Quang Tuấn cũng nói thêm, trang phục và cử chỉ khi hầu đồng phải rất cẩn trọng từng chi tiết nhỏ, ngay từ việc như khi hầu che quạt theo lề lối phép tắc lễ nghi.

Trang phục trong phim làm sai lệch tín ngưỡng thờ Mẫu: Không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật-3
Theo thủ nhang Đền Mẫu Khuôn Phú Thọ Đặng Quang Tuấn, trang phục và cử chỉ khi hầu đồng phải rất cẩn trọng, khi hầu che quạt theo lề lối phép tắc lễ nghi

"Trang phục nữ diễn viên mặc là Đức Chầu Đệ Nhị trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Đây là bậc Thánh nhân và giá trị nhân văn của Thánh nhân là giúp người, bảo ban hỗ trợ những điều hay lẽ phải. Trong khi đó, ma hay ma quỷ luôn làm hại, hù dọa người. Việc này hoàn toàn đi ngược với truyền thống và giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ".

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ - thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định)

Đồng quan điểm, TS. Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đạo Mẫu Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi là những người thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt, được trao truyền bởi các thế hệ cha ông để lại. Mỗi khi mặc trang phục tín ngưỡng, chúng tôi phải thắp hương để xin, chứ không phải là tùy tiện. Mẫu là người mẹ, tổ tiên của chúng ta cũng phải thờ Mẫu".

"Tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là tín ngưỡng tôn vinh người Mẹ. Người Mẹ bao đời nay theo quan niệm dân gian hay trong tín ngưỡng, đều là biểu tượng của sự bao dung, của tình yêu thương, của sự bao bọc. Cớ sao lại mặc trang phục của Mẫu để hóa thân vào ma quỷ. Như vậy khác nào bôi nhọ tín ngưỡng của chúng tôi, bảo Mẫu là ma, quỷ!" - TS. nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh bức xúc.

Với vai trò là người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh bày tỏ: "Là người giữ gìn, bảo tồn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi không đồng tình và lên án hành vi mang trang phục của thánh Mẫu của chúng tôi ra đóng phim ma quỷ. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền lên án hành vi sai trái này, rút kinh nghiệm, không thể làm uế tạp thánh Mẫu".

Cũng theo nghệ nhân Đặng Ngọc Anh, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phải bảo tồn giữ gìn văn hóa tín ngưỡng đạo Mẫu Việt Nam trong không gian linh thiêng. "Không thể khoác trên mình bộ quần áo của Thánh để thực hiện những chiêu trò câu like, câu view. Cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không cần những hành vi quảng bá đạo Mẫu của chúng tôi như vậy" - nghệ nhân Đặng Ngọc Anh khẳng định.

Theo Phụ nữ Việt Nam