Thời gian gần đây, dân mạng liên tục lan truyền những bộ ảnh cô gái, chàng trai Việt trong trang phục Tây Tạng tại Sa Pa.
Khách thường chọn khung cảnh núi rừng, trang trí bằng nhiều gỗ và lều trại như bản Cát Cát hay điểm check in săn mây trên đèo Ô Quy Hồ, Rock Garden Homestay, Best View,…
Do nhu cầu cao, nhiều cơ sở cho thuê trang phục, bối cảnh mọc lên như nấm và thường xuyên “cháy hàng”. Khách phải đặt từ sớm may ra có hàng. Đa số, họ đều chọn đồ phong cách du mục như người Mông Cổ, Tây Tạng...
Giá thuê cũng chẳng mềm mại gì, khoảng 400.000 đồng/người nhưng các chàng trai, cô gái vẫn xuống tiền để có bộ ảnh bá cháy.
Không chỉ ngại ngần chi số tiền khủng cho để thuê đồ, họ còn đầu tư thuê nhiếp ảnh gia, mướn địa điểm chụp... Tổng chi phí cho một bộ ảnh là khoảng 1,5-2 triệu đồng để có những bức ảnh lung linh trên đỉnh núi cao.
Thế nhưng, những shoot hình hóa thân thành người Tây Tạng, Mông Cổ theo phong cách du mục vẫn vướng vào nhiều sự tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, trào lưu này dần dần đang khiến người Việt làm mất đi bản sắc các dân tộc vốn có. Những trang phục dân tộc đậm chất Việt như H'mong, Tày,... vẫn rất độc đáo. Tại sao cần du nhập văn hóa nước ngoài về?
Hoàng Thơ viết: "Cứ thấy đẹp là mặc không tìm hiểu văn hoá, tự nhiên Sa Pa không mặc trang phục dân tộc của họ, đi mặc trang phục của nước khác, lạ lùng quá".
Jane phản hồi: "Họ biết đó là trang phục dân tộc khác mà, có phải thiếu hiểu biết đâu. Nhưng do họ chưa có cơ hội đi đến các vùng như Tân Cương, Tây Tạng,… nên muốn tranh thủ dịch vụ này ở Sa Pa ấy chứ".
Tâm Mặc bình luận: "Vài người chụp thì không nói, dần dà theo nhau ai cũng thế. Đợt trước vụ cây hồng Ninh Bình cũng vậy, đợt này cũng vậy, khó chịu thực sự".
Trào lưu này được cho là góp phần thu hút du khách đến với Sa Pa, tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm nguồn thu nhờ mở ra thêm các loại hình dịch vụ mới. Tuy nhiên dân mạng vẫn bày tỏ sự không đồng tình.
Hiện tại, những tấm ảnh mặc đồ du mục tại Sa Pa vẫn vướng phải sự tranh cãi trên mạng xã hội.
Theo Saostar