Trẻ sơ sinh có xương mềm và khuôn đầu có thể thay đổi hình dạng trong suốt giai đoạn còn nhỏ. Tận dụng điều này, không ít phụ huynh ở Trung Quốc đã cố gắng dùng thiết bị định hình để con có được phần đầu tròn trịa hơn, theo SCMP.

Tranh cãi

Một bà mẹ đã đã gây tranh cãi khi đăng tải bài viết lên mạng xã hội Xiaohongshu với tiêu đề “Tôi đã đưa con mình đi chỉnh hình đầu, bất chấp sự phản đối của gia đình” vào hồi tháng 9.

Trong bài đăng, cô kể chi tiết về quá trình nắn chỉnh xương sọ mà mình đã cho con trải qua.

Theo đó, người mẹ cho biết con gái mình thích nằm ngửa khi ngủ khiến phần đầu của đứa bé “phẳng và bẹt”. Cô cố gắng tập cho con ngủ nghiêng nhưng không hiệu quả.

Khi đứa trẻ được bảy tháng tuổi, người mẹ đưa con đến một phòng khám địa phương để đặt làm riêng "thiết bị chỉnh đầu".

Trào lưu ép con có đầu tròn trịa ở Trung Quốc-1
Một số bậc cha mẹ ở Trung Quốc đã sử dụng mũ bảo hiểm và khuôn để đảm bảo con họ có đầu tròn. Ảnh: Getty Images.

Các nhân viên của phòng khám đã bọc đầu của em bé trong nhiều lớp thạch cao để đo đạc, sau đó tạo ra một chiếc khuôn vừa với đầu của bé.

Chiếc khuôn có thể được đội, gỡ như một chiếc mũ bảo hiểm, nhưng được thiết kế để cố định tại đầu em bé suốt ngày dài nhằm "hướng dẫn" sự phát triển của xương sọ, công dụng tương tự khuôn định hình răng.

Khi hành động của mình nhận nhiều phản đối trên mạng xã hội, người mẹ thanh minh: “Tôi nghĩ đội khuôn đầu cũng như đeo niềng răng mà thôi, chúng ta chỉnh sửa một phần cơ thể để làm nó đẹp lên. Biết bao phụ nữ đã phải trải qua đau đớn để có được sắc đẹp đó thôi”, cô viết.

Một số người dùng mạng ủng hộ quyết định của người mẹ trên, họ viết trong một số bình luận: “Không người mẹ nào đội khuôn cho con mình mà không có lý do”; “Sự vất vả hiện tại sẽ đạt được một khuôn đầu đẹp trong tương lai”; “Khi con lớn lên, nó sẽ rất biết ơn công lao của bạn”.

Nhưng hầu hết lại phản đối hành động của người mẹ này.

Một người viết: “Bạn không cần phải làm như vậy. Khi trẻ lớn hơn, chúng lăn lộn trong lúc ngủ và hình dạng đầu sẽ tự động điều chỉnh trở lại. Đừng để sự lo lắng của bạn khiến con phải trải qua đau đớn”.

Vô nghĩa

Nếu không muốn đưa con đến phòng khám và đặt khuôn định hình như người mẹ trên, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng tìm kiếm hàng loạt sản phẩm “chỉnh hình đầu” như gối, mũ hoặc chiếu ngủ trên Taobao và các trang thương mại điện tử khác.

Một gian hàng trên Taobao bán gối chỉnh hình đầu trẻ em dưới hai tuổi nói với SCMP rằng họ nhận được phản hồi tích cực về sản phẩm và mời chào “anh chị nên mua sớm vì sản phẩm của chúng tôi thường bán hết rất nhanh”.

“Chúng tôi có sản phẩm gối định hình đầu cao cấp nhập từ Hàn Quốc. Nếu bé của anh chị dưới ba tháng tuổi, anh chị sẽ nhận thấy sự thay đổi đáng kể ở đầu bé trong khoảng 45 ngày. Trẻ càng lớn, sự thay đổi càng chậm hơn”, nhân viên bán hàng cho biết.

Cửa hàng này quảng cáo cho sản phẩm của mình với nội dung: “Đầu lệch, đầu phẳng, đầu nhọn hãy vào cửa hàng của chúng tôi”. Chiếc gối chỉnh hình có giá 306 nhân dân tệ (47 USD) và cửa hàng đã bán được khoảng 200 chiếc mỗi tháng.

“Con tôi thích nằm ngửa khi ngủ và hiện tại bị bẹp đầu, tôi hy vọng có thể cố gắng khắc phục điều đó”, một người mua để lại bình luận trên gian hàng điện tử.

Trào lưu ép con có đầu tròn trịa ở Trung Quốc-2
Một quảng cáo cho tấm chiếu ngủ với thiết kế có thay đổi hình dạng đầu của trẻ sơ sinh.

Mong muốn con cái có đầu tròn trịa đang là “mốt” ở Trung Quốc. Mặc cho suốt nhiều thập kỷ trước đó, mọi người tin rằng đầu phẳng và trán lớn mới là dấu hiệu của sự may mắn.

Khi đó, nhiều cha mẹ còn bắt con ngủ trên sách hoặc ván gỗ để làm phẳng phần sau đầu của chúng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cần để con sơ sinh phát triển theo tự nhiên.

Guo, bác sĩ nhi khoa ở Nam Kinh, cho biết khuôn thạch cao định hình đầu được sử dụng tại các bệnh viện trong phương pháp điều trị bệnh lý liên quan đến hộp sọ. Nếu có vấn đề chính đáng về y tế, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn về phương pháp này.

“Nhưng việc chỉnh sửa hình dạng đầu của một đứa trẻ vì mục đích thẩm mỹ là vô nghĩa. Việc làm này đơn thuần chỉ là sự lo lắng quá mức của các bậc cha mẹ đối với con cái của họ”, ông nói.

Theo Zing