Chữa nghẹt mũi bằng tỏi là trào lưu mới nhất trên TikTok. Video một người phụ nữ nhét vào mỗi lỗ mũi một tép tỏi được xem hơn 4,5 triệu lượt.

Theo các bác sĩ, việc làm này không chấm dứt tình trạng nghẹt của mũi mà ngược lại có thể khiến xoang mũi đau rát.

Nhiều bác sĩ cho biết họ phần nào hiểu được tại sao nhiều người tin phương pháp này hiệu quả, do mũi sẽ chảy nước ngay sau khi tép tỏi được lấy ra.

Trào lưu nhét tỏi vào mũi nguy hiểm trên TikTok-1
Video có hơn 4,5 triệu view. Ảnh: cắt từ video đăng tải bởi tài khoản @rozalinekatherine

Theo bác sĩ Jay Youngerman, trưởng khoa Tai Mũi Họng tại bệnh viện Northwell Health Plainview, New York, đây là phản ứng tự nhiên của mũi khi bị bịt kín. Bên cạnh đó, chảy nước mũi cũng là dấu hiệu cho thấy mũi bị tổn thương.

Bác sĩ Emily Durkin, làm việc tại bệnh viện nhi Helen Devos cho biết việc kích ứng hoặc tổn thương niêm mạc có thể gây chảy mũi.

Các chuyên gia nghi ngờ nhiều người lầm tưởng tỏi có thể thay thế dầu khuynh diệp trong chữa nghẹt mũi vì cả hai đều nặng mùi.

Theo bác sĩ Anthony Del Signore, trưởng khoa mũi tại bệnh viện Mount Sinai Union Square, New York, các mùi nồng có thể se niêm mạc, khai thông khoang mũi, giúp hô hấp dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, tính phân hủy của tỏi có thể khiến mũi bị kích ứng, bỏng rát, thậm chí chảy máu.

Mặc dù vậy, nhiều bác sĩ lo sợ tép tỏi có thể bị kẹt trong khoang mũi. Bác sĩ Del Signore khuyên mọi người không nên thử nhét bất cứ thứ gì vào mũi, không riêng gì tỏi. Dù là vật thể hữu cơ hay vô cơ, nguy cơ nhiễm trùng khoang mũi là rất lớn.

Trào lưu nhét tỏi vào mũi nguy hiểm trên TikTok-2
Tỏi, một gia vị quen thuộc. Ảnh: getty.

Nhiều người tin tỏi có thể chữa nghẹt mũi đơn giản vì ăn tỏi đã được biết đến rộng rãi là giúp ích trong nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Các chuyên gia không đồng tình với quan điểm này. Ngược lại, ngoài việc sử dụng tỏi như gia vị, mọi cách dùng còn lại đều nên có sự tư vấn đến từ chuyên gia.

Các bác sĩ khuyên dùng thuốc súc rửa mũi hoặc bình rửa mũi trong trường hợp nghẹt mũi. Dù không đảm bảo thông thoáng mũi ngay lập tức, các phương pháp này phần nào giảm sưng và đau ở xoang mũi.

Theo Zing