Angkor Wat là một trong những di tích khảo cổ quan trọng nhất Đông Nam Á, là điểm thu hút du lịch hàng đầu của Campuchia, mang lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Năm 2019, khu phức hợp này đã đón 6,6 triệu du khách, nhưng con số này đã giảm sút do đại dịch COVID-19.
Khách du lịch tham quan quần thể đền Angkor Wat
Trong bối cảnh Campuchia đang nỗ lực phục hồi du lịch, một xu hướng TikTok tái hiện lại trò chơi điện tử 'Temple Run' bằng cách chạy, nhảy qua các lối đi hẹp tại khu phức hợp đền thờ Angkor Wat khiến các nhà bảo tồn và chuyên gia văn hóa lo ngại.
Họ cảnh báo rằng những video này có thể gây ra tổn thất không thể khắc phục cho các công trình kiến trúc gần 900 năm tuổi, cũng như hạ thấp giá trị tinh thần của di sản này.
Người tham gia đã thực hiện các hành động như chạy và nhảy qua các lối đi cổ kính
Xu hướng này đã nhanh chóng trở nên phổ biến trên mạng xã hội, với nhiều video nhận được hàng triệu lượt xem. Trong các video, người tham gia phần lớn là giới trẻ, họ đã thực hiện các hành động như chạy và nhảy qua các lối đi cổ kính, kèm theo âm thanh và hình ảnh của trò chơi Temple Run.
Simon Warrack - một chuyên gia bảo tồn đã làm việc tại Angkor Wat hơn 3 thập kỷ - cho biết, hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho các viên đá cổ mà còn thể hiện sự thiếu nhạy cảm văn hóa và tôn giáo.
"Bạn sẽ không bao giờ thấy người ta chạy nhảy trong các nhà thờ lớn ở phương Tây, vậy tại sao điều này lại được chấp nhận ở Campuchia?" ông Warrack bày tỏ
Xu hướng này có thể làm tổn hại đến các bức phù điêu và chạm khắc tinh tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng này có thể làm tổn hại đến các bức phù điêu và chạm khắc tinh tế, vốn đã tồn tại qua hàng thế kỷ chiến tranh và thiên tai.
Hans Leisen - người đứng đầu một dự án bảo tồn tại Angkor Wat do chính phủ Đức tài trợ gọi những video này là "vô nghĩa". Ông lo ngại rằng nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể lan sang các địa điểm đền thờ khác trong khu vực.
Trong khi các quốc gia khác như Indonesia và Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp để kiểm soát hành vi thiếu ý thức của du khách, cơ quan quản lý khu phức hợp Angkor Wat vẫn chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo chính thức nào để ngăn chặn xu hướng lan truyền này. Bộ trưởng Du lịch Campuchia gần đây cũng đã bày tỏ lo ngại về khả năng gây hư hại cho các di sản do các video này gây ra.
Mặc dù có những lo ngại, một số người dân Campuchia lại cho rằng xu hướng này có thể giúp thúc đẩy du lịch - một ngành đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia.
Seun Sam - nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia - cho biết, miễn là du khách không gây hại cho các đền thờ và tôn trọng văn hóa địa phương thì việc tăng cường du lịch thông qua mạng xã hội có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Tuy nhiên, các chuyên gia bảo tồn vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa này. Ginevra Boatto - Giám đốc quốc gia của Quỹ Di tích thế giới tại Campuchia - kêu gọi việc quản lý chặt chẽ xu hướng này để ngăn ngừa bất kỳ tác động tiêu cực nào, đồng thời khuyến khích du khách tham gia các hoạt động tham quan giáo dục và tôn trọng giá trị tinh thần của các đền thờ.
Theo Tiền Phong