Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ đột tử, bệnh nhân tử vong khi đang chơi thể thao, tập gym hoặc đang lao động.

Vụ việc mới đây nhất ở Hà Nôi, một người đàn ông tử vong tại phòng tập California Fitness & Yoga, khiến nhiều người bán tán xôn xao.

Cụ thể, nạn nhân là ảnh H. - hội viên của Trung tâm. Khoảng 18h15 ngày 19/10, anh H. bắt đầu tập luyện trên máy chạy bộ.

Tập đến khoảng 18h24, nạn nhân có dấu hiệu mệt mỏi và dừng máy chạy. Chỉ 2 phút sau, anh H. đột ngột ngã quỵ trên sàn. Đến 18h27, nhân viên Trung tâm trong đó có quản lý và HLV có chuyên môn sơ cứu cùng một số hội viên khác đã thực hiện các biện pháp sơ cứu, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân tuy nhiên anh H. sau đó đã tử vong.

Trước đó, ở tỉnh Thanh Hóa cộng đồng mạng cũng chia sẻ tình huống người đàn ông tử vong trong khi đang chơi một môn thể thao.

Từ 2 phút định mệnh của gymer ở phòng tập: Vì sao ngày càng nhiều người đột tử khi tập thể thao?-1
Người dân chia sẻ vụ việc một nạn nhân tử vong khi đang tập gym.

TS.BS Trần Song Giang-Trưởng Khoa C9, Phó Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Viện Tim mạch Việt Nam, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, có nhiều nguyên nhân gây đột tử khi tập thể dục, chơi thể thao ở người độ tuổi trung niên như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, một số hội chứng rối loạn nhịp tim có tính chất gia đình: Brugada, hội chứng QT dài (Long QT syndrome - LQTS) . Tuy nhiên, nhiều ca đột tử thường kèm theo bệnh nền.

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng; đột tử (SDS – Sudden death syndrome) là tình trạng tử vong đột ngột xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi khởi phát những triệu chứng cấp tính hoặc khi không có người chứng kiểu thời điểm tử vong nhưng trong vòng 24 giờ trước nạn nhân không có triệu chứng biểu hiện nào.

Đột tử thường xuất hiện phổ biến ở những người lớn tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây đột tử ngày càng trẻ hóa dần, các đối tượng có nguy cơ đột tử bao gồm:

Đột tử ở trẻ nhũ nhi

Đột tử ở trẻ nhũ nhi thường xảy ra trong những tháng đầu đời mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đột tử ở trẻ nhũ nhi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc có dấu hiệu cảnh báo trước đó. Một số trường hợp trẻ đột tử có thể do các vấn đề như khuyết tật nghiêm trọng ở tim, hệ hô hấp hay các cơ quan chưa được phát triển hoàn thiện.

Đột tử ở trẻ em

Đột tử ở trẻ em có thể liên quan đến các vấn đề tim mạch chưa được chẩn đoán, như các bệnh cơ tim bẩm sinh hoặc loạn nhịp tim. Mặc dù hiếm, nhưng trẻ em cũng có thể bị đột tử do các nguyên nhân khác như chấn thương hoặc ngạt thở.

Đột tử ở người trẻ

Tỷ lệ đột tử ở người trẻ tuổi ngày càng tăng cao, đặc biệt là thanh thiếu niên và người trưởng thành liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao, bệnh rung nhĩ…, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đột ngột ở những người trẻ dưới 45 tuổi.

Từ 2 phút định mệnh của gymer ở phòng tập: Vì sao ngày càng nhiều người đột tử khi tập thể thao?-2
Theo các chuyên gia y tế, trước khi tập môn thể thao cần phải có phương pháp kiểm soát và khởi động kĩ

Biện pháp phòng ngừa đột tử cho người có nguy cơ cao

Biện pháp phòng ngừa đột tử ở những người có nguy cơ cao có thể thực hiện thông qua việc kiểm soát các bệnh mãn tính và thay đổi lối sống. Một số cách phòng ngừa nguy cơ đột tử hiệu quả được khuyến cáo:

Kiểm soát bệnh lý liên quan: Điều trị và kiểm soát chặt chẽ các bệnh lý liên quan đến tim mạch, não bộ, hô hấp và tuần hoàn. Tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ, đảm bảo uống thuốc đúng liều lượng và đúng thời gian quy định.

Thực hiện lối sống lành mạnh: Bỏ thuốc lá, giảm cân, hạn chế tiêu thụ muối, đường, chất béo, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường ăn trái cây, rau xanh và chất xơ.

Tập thể dục thường xuyên: Duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày với cường độ phù hợp để tăng cường đề kháng và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Học các kỹ năng sơ cứu cơ bản: Như massage tim, thở nhân tạo và sử dụng máy khử rung tim. Những kỹ năng này có thể giúp cứu sống người bệnh khi xảy ra tình huống đột tử.

Khám sức khỏe định kỳ: Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột tử, hoặc các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. Việc thăm khám thường xuyên với bác sĩ nhằm phát hiện ra những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như giúp phòng ngừa và điều trị kịp thời các yếu tố có thể gây ra đột quỵ.

Theo Người Đưa Tin