Nếu đang ngơ ngác giữa một trời bình luận với "shop", "xốp", "sốp", bạn cần tìm hiểu "từ điển Gen Z".
"Sốp" là gì, "xốp" là gì?
Dạo một vòng trên các hội nhóm mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cụm từ như "sốp", "shop", "xốp". Những từ này khiến "hội người già" thấy khó hiểu vô cùng, tra từ điển đỏ mắt cũng không thấy.
Vậy "sốp" là gì, "xốp" là gì? "Sốp" được viết theo cách đọc của từ "shop" mà trong tiếng Anh. "Shop" có nghĩa cửa hàng, nhưng trong ngôn ngữ Gen Z, "sốp" chỉ đơn giản là cách xưng hô với bạn bè, không liên quan gì đến cửa hàng cửa hiệu hay mua sắm hàng hóa gì cả.
Gen Z cũng không thích viết "shop" mà thích viết theo cách đọc của tiếng Việt là "sốp", thậm chí còn cố tình viết sai chính tả là "xốp" để tạo điểm nhấn theo cách riêng.
Nếu những lời trên vẫn còn khó hiểu với bạn, tốt nhất là hãy tham khảo các ví dụ minh họa để biết "sốp" là gì, "xốp" là gì: "Bộ phim này xem có hay không sốp?", "Sốp thấy thế nào về cái váy mới này của tui"; "Ông ghép tôi vô bức ảnh này nhé! -Ok sốp".
Với Gen Z, "sốp" chỉ đơn thuần là một cách gọi thân thiện với những người quen.
Ngoài việc sử dụng thay thế cho cách gọi tên đối phương thì từ "sốp" cũng khiến người nghe có ấn tượng hơn về cách trả lời của bạn, biến ngữ điệu trở nên hài hước, tạo tiếng cười và tự nhiên hơn. Hiện tại, những từ này có tính lan truyền mạnh, được gen Z sử dụng vào nhiều tình huống.
Gen Z sử dụng từ "sốp" như một cách gọi phổ thông.
"Sốp" được sử dụng trong mọi tình huống.
Vì sao lại có ngôn ngữ Gen Z?
Tuổi trẻ luôn thích những gì mới lạ, đặc biệt, thậm chí quái dị. Họ thường chế ra nhiều thứ khác người, đi ngược quy chuẩn để thể hiện bản thân và có được cảm giác thú vị, từ thời trang, âm nhạc cho đến ngôn ngữ.
Thời kỳ Internet bùng nổ, công nghệ phát triển, và sự giao thoa giữa các nền văn hoá tạo điều kiện thuận lợi cho Gen Z khám phá và chứng minh bản thân bằng những "biến hóa" độc đáo, và lan truyền nó thật nhanh, thật rộng, dễ dàng tạo thành "cơn sốt".
Ngôn ngữ Gen Z hình thành, được các bạn trẻ thích thú sử dụng trong các cuộc trò chuyện trên mạng. Nhiều bạn thậm chí còn lập các bộ từ điển gen Z, cập nhật cho bạn bè và những người quan tâm để họ không trở thành "người tối cổ".
Đối với những người thuộc thế hệ trước, ngôn ngữ Gen Z không chỉ khó hiểu mà còn dễ bị đánh giá là "lố bịch”, “trẻ trâu”.
Nhưng thực ra không phải một ngày 24 giờ của Gen Z chỉ xoay quanh việc lên mạng và nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ đó.
Thời gian còn lại, họ vẫn nỗ lực dùi mài kinh sử, hoặc phát triển bản thân ở nơi làm việc, sử dụng tiếng Việt chuẩn mực và các thuật ngữ chuyên ngành.
Các bạn trẻ cho rằng, chỉ cần họ biết giới hạn, chỉ sử dụng ngôn ngữ Gen Z trong những tình huống phù hợp thì việc “vui đùa với con chữ” một chút cũng không có gì to tát cả, và "từ điển Gen Z" sẽ phần nào giúp kết nối để thế hệ trước hiểu họ hơn.
Theo VTC