Overthinking - có thể hiểu là trạng thái một người thích nghiêm trọng hóa vấn đề, suy diễn điều nhỏ nhặt nhất thành thứ tiêu cực, bi quan nhất. 

Nhiều người vẫn lầm tưởng overthinking là một chứng bệnh tầm thường mà không biết rằng nó lại có sức tàn phá tinh thần vô cùng lớn. Khi đã hiểu về sự nguy hiểm của overthinking, ta cần thoát khỏi sự tiêu cực mà chứng bệnh này mang tới. 

Áp dụng những mẹo dưới đây, triệu chứng bệnh sẽ phần nào làm nhẹ bớt, thậm chí cùng với sự nỗ lực tự thân, bạn có thể đập tan chứng rối loạn lo âu khó chịu này.

1. Tập trung vấn đề chính mỗi khi bạn bắt đầu suy nghĩ quá lố

Overthinking trở thành thói quen xấu nếu bạn không nhận ra mình đang “nghĩ quá lố” một cách vô thức. Hãy tập trung vào điều quan trọng nhất của vấn đề, điều đó giúp tư duy của bạn logic hơn, dồn toàn bộ noron thần kinh vào việc chính chứ không mất thời gian lo xa thứ không cần thiết. 

Rất đơn giản, nếu đang bồn chồn thái quá về một kế hoạch đi xa, hãy nghĩ thông thoáng rằng đó là điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Lúc này, việc bạn cần làm là bình tĩnh, hít thở đều và tập trung vào các công việc cụ thể như  ăn gì, chơi gì, check in gì…. thay vì ngồi đó nghĩ đến những chuyện tiêu cực như nhỡ đâu tai nạn, nhỡ ốm đau, nhỡ lạc đường…

Overthinking quá nhiều sẽ dẫn bạn tới những suy nghĩ sai lệch, khiến hành động sau đó trở nên thiếu sáng suốt, không chính xác. Vì vậy mỗi khi bắt đầu sa đà vào overthinking, bạn hãy tập trung vào vấn đề cần giải quyết chứ không nghĩ liên thiên, lan man… vừa mất thời gian vừa mệt não.

2. Tìm hướng giải quyết cụ thể thay vì đặt quá nhiều giả thuyết

Cứ suy nghĩ, trăn trở mãi về một vấn đề mà không có kết quả cuối cùng thì quả thật là "mất lộc", bởi điều đó chỉ làm tiêu tốn thời gian của bạn một cách vô ích mà thôi.

Nếu chuyện nằm trong tầm kiểm soát, hãy cân nhắc sự lựa chọn đúng đắn để có thể giải quyết vấn đề bạn đang đắn đo. Với chuyện lớn nằm ngoài tầm với, việc của bạn là hãy cố gắng hết sức có thể, còn sau đó thì “tùy duyên”, để cho sự may mắn quyết định giúp bạn điều còn lại.

3. Chỉ suy nghĩ trong khoảng thời gian hợp lí

Vật lộn với một vấn đề trong thời gian quá lâu sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi chứ chẳng giúp bạn được chút nào hoan hỷ nào. Thay vào đó, hãy tập suy nghĩ một cách thật nhanh chóng. Nhanh chóng ở đây không phải suy nghĩ bột phát, không thấu đáo mà là suy nghĩ chính xác, sắc bén.

Hãy dành 20 phút mỗi ngày để suy nghĩ. Trong 20 phút đó, hãy cho phép mình lo lắng, có thể thêm một chút overthinking nhưng khi hết thời gian, bạn cần bình tĩnh trở lại, tìm cho mình hướng giải quyết hợp lí.

4. Học những thói quen mới

Bạn luôn tự răn mình "Hãy quên nó đi" hay "Đừng nhớ tới nó nữa", nhưng không hiểu sao những vấn đề ấy luôn hiện rõ trong tâm trí bạn.

Hãy tiếp nhận những thói quen mới, điều này vừa giúp bạn trang bị thêm nhiều tư duy tích cực như đọc sách, chơi thể thao… ngoài ra còn giúp phân bố thời gian một cách hợp lí, không để bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi rồi suy nghĩ linh tinh, overthinking chìm đắm trong sự tiêu cực.

G.K
Theo Vietnamnet