Dịp Tết Nguyên đán, đa phần các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo, mứt Tết để ăn và mời khách. Mứt thường được chế biến từ các loại rau, củ, quả như: Khoai lang, bí đao, gừng, dừa, cà rốt…
Mỗi loại mứt đều có một công dụng khác nhau, chẳng hạn, mứt gừng làm ấm tỳ vị, chống nôn, giải độc, chữa ho… Mứt sen giúp an thần, giảm stress, chống suy nhược; Mứt hồng chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm; mứt khoai lang giúp nhuận trường, chống táo bón.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, mứt Tết cũng có một số hạn chế nhất định: mứt thường quá ngọt; một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi… sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.
Các chuyên gia khuyến cáo, tự làm mứt Tết cần chú ý không cho quá nhiều đường để tránh gây hại cho cơ thể.
Mặt khác, do chứa nhiều đường nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi.
Ăn nhiều mứt dễ sinh đầy bụng và làm giảm mất cảm giác đói, do đó làm hạn chế sự ăn vào trong 2 bữa ăn chính.
Đặc biệt, một số nhóm người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn quá nhiều mứt Tết.
Người mắc bệnh đái tháo đường
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Do mứt thường được chế biến ngọt nên không tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Vì vậy, người mắc bệnh đái tháo đường cần kiêng ăn mứt trong dịp Tết vì nếu ăn có thể khiến cho đường huyết tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm trong ngày Tết.
Người thừa cân béo phì
Bên cạnh những người mắc bệnh đái tháo đường, nhóm người thừa cân béo phì cũng được khuyên không nên sử dụng sản phẩm mứt Tết, bánh kẹo ngọt thường xuyên.
Tiêu thụ quá nhiều mứt khiến cho năng lượng dư thừa tích lũy và chuyển hóa thành mỡ. Điều này khiến cho người béo phì càng thêm thừa cân và dễ mắc một số bệnh lý liên quan tới chuyển hóa.
Phụ nữ mang thai
Ăn quá nhiều mứt, đồ ngọt trong dịp Tết cũng không được khuyến cáo đối với những phụ nữ đang trong quá trình mang thai, nhất là những người đã có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ.
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sảy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai.
Trẻ nhỏ
Do lượng đường trong mứt Tết khá nhiều nên trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa kém không nên ăn nhiều. Bên cạnh đó, nếu trẻ ăn quá nhiều mứt có thể có cảm giác no, không ăn được thức ăn chính nên dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Lưu ý khi sử dụng mứt Tết
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, tốt nhất chúng ta nên hạn chế lượng bánh kẹo, mứt trong dịp Tết và thay thế bằng các loại trái cây tươi như: Dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo…
Bên cạnh đó, các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều... cũng là một sự lựa chọn tốt cho dịp Tết.
Trường hợp muốn ăn mứt, mỗi gia đình có thể tự chế biến bánh mứt cổ truyền cho ngày Tết. Trong khi chế biến, nên hạn chế lượng đường hoặc có thể thay thế bằng đường ăn kiêng. Việc này vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giữ được hương vị ngày Tết.
Ngoài ra, trên thị trường trường hiện có sản xuất mứt cho người ăn kiêng. Vì vậy, người muốn giảm cân, bệnh lý tim mạch, huyết áp… nếu muốn ăn mứt Tết có thể tìm tới sản phẩm này.
Nhóm người bình thường nếu muốn ăn nên mua ở những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để không gây hại cho sức khoẻ.
Bảo quản mứt Tết
Sau khi làm mứt, nếu chưa sử dụng ngay, nên cho mứt vào hũ thủy tinh, hộp kín hoặc buộc kín trong túi nilon rồi đổ một lớp đường trắng lên trên sẽ đảm bảo được mứt giữ mùi thơm ban đầu và không bị chảy nước vì đã có lớp đường ở trên hút ẩm.
Mứt Tết thường chứa nhiều đường nên cần bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ thấp. Tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp, những nơi nóng khiến mứt bị chảy nước, mềm, mất độ giòn thơm.
Tuyệt đối không bảo quản mứt trong ngăn đá của tủ lạnh, vì khi chúng ta lấy ra sử dụng nhưng dễ làm hỏng mứt, mứt sẽ bị chảy nước khi đưa ra ngoài môi trường làm cho vi khuẩn xâm nhập khi ăn vào dễ gây ngộ độc.
Theo Gia đình và Xã hội