Tương lai mờ mịt của bé gái bị mẹ cắt gân chân

Bé Nguyễn Thị Hảo bị mẹ ruột cắt gân chân 7 năm trước ở Bình Phước, hiện không biết đọc, biết viết và có biểu hiện tâm thần.

Ngày 30/3, sau hơn 1 tuần trở về với gia đình, bé Nguyễn Thị Hảo (11 tuổi, ngụ xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) - bé gái cách đây 7 năm khiến dư luận rơi nước mắt vì bị mẹ ruột dùng dao cắt gân chân và ngón tay - đã bước đầu hòa nhập với cộng đồng.

Trước đó, sau khi mãn hạn tù giam 2 năm và hết thời hạn 5 năm bị hạn chế quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con, bà Nguyễn Thị Mỳ (40 tuổi, mẹ bé Hảo) cùng chồng là ông Nguyễn Văn Tước (49 tuổi) xin nhận lại bé Hảo về nuôi.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, ngày 19/3, bé Hảo đã được bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già tàn tật và Trẻ em mồ côi (NDNGTT-TMC) Bình Phước (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), bàn giao cho gia đình trước sự chứng kiến của chính quyền xã.

Có mặt tại buổi bàn giao, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết, hiện cuộc sống gia đình bà Mỳ rất khó khăn do không có đất sản xuất. Đáng chú ý, bà này còn có 2 con đang bị tâm thần. “Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng làm hồ sơ để Hảo được hưởng trợ cấp xã hội” - ông Tuấn nói.

Bé Nguyễn Thị Hảo (ôm gấu bông) về với gia đình.
Bé Nguyễn Thị Hảo (ôm gấu bông) về với gia đình.

Theo bà Hạnh, sau khi tiếp nhận Hảo, Trung tâm đã cho vào học lớp 1. Tuy nhiên, mỗi khi đến trường, Hảo chỉ quậy phá. Suốt 4 năm học lớp 1, em vẫn không biết viết, không biết đọc nên trường phải trả về Trung tâm. Khi Trung tâm đưa cháu đi giám định tâm thần, kết quả cho thấy bé bị rối loạn hành vi, chậm phát triển nên phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Khi bà Mỳ đi tù, Hảo đã được đưa vào Trung tâm NDNGTT-TMC Bình Phước nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến năm 2013, tai ương lại ập xuống gia đình bà Mỳ khi Vũ Văn Thành (51 tuổi, hàng xóm) đã hiếp dâm 2 chị của Hảo là Nguyễn Thị Kiều Oanh (18 tuổi) và Nguyễn Thị Kiều Trang (16 tuổi, cả hai đều bị tâm thần).

“Cuộc sống gia đình này đã quá khó khăn, nay Hảo được cha mẹ đưa về nuôi sẽ càng khó khăn hơn” - bà Tạ Thị Ngoãn, Bí thư Chi bộ thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh nói. Còn bé Hảo, sau khi được đưa vào Trung tâm, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Quyền, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết: “Hiện nay, Trung tâm NDNGTT-TMC tạm giữ bằng cách gửi ngân hàng, chủ tài khoản là Hảo. Khi làm đơn xin nhận con về, vợ chồng bà Mỳ có đề nghị đưa ít tiền để nuôi Hảo, nhưng chúng tôi không nhất trí vì sợ họ sẽ sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của các nhà hảo tâm, khi Hảo đủ 18 tuổi mới cho nhận số tiền trên”.

Theo Người lao động

Tin tức mới nhất