Vân Dung: 'Vắng tiếng pháo, mất 60% không khí Tết'

Danh hài đất Bắc tâm sự Tết xưa và Tết nay khác nhau nhất ở tiếng pháo và chị vẫn nhớ mùi thơm của pháo vào đêm Giao thừa.

Cũng như bao nghệ sĩ khác, những ngày cuối năm có thể coi là thời điểm bận rộn nhất của Vân Dung. Ngoài lịch tập Táo quân cho chương trình Gặp nhau cuối năm, chị còn đi diễn với đoàn, quay các tiểu phẩm và phim Tết.

Tuy nhiên, Vân Dung chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ sau tết ông Công ông Táo (23/1) là chị kết thúc mọi việc, không nhận thêm show để nghỉ ngơi và lo sắm Tết cho gia đình.

Không có tiếng pháo, mất 60% không khí Tết

- Sống giữa thủ đô Hà Nội nhộn nhịp, có khi nào chị thèm cảm giác được ngồi trước nồi bánh chưng ngày Tết?

- Khu nhà tôi ở hàng năm vẫn tổ chức nấu bánh chung mà. Mọi người sẽ mua gạo, thịt, rồi gọi cư dân xuống tự vo gạo, rửa lá, nấu bánh chưng. Sau khi bánh chín, mỗi nhà được chia 2 cái. Vui lắm!

- Với nhiều người, Tết là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Nhưng một số khác lại thích đi du lịch. Còn chị thì sao?

- Tôi nghĩ thoáng lắm. Mấy chục năm đón Tết ở nhà, mình biết Tết cổ truyền như thế nào rồi. Giờ tôi đã lớn tuổi, cũng nên du lịch đây đó. Nếu có điều kiện thì khám phá nước ngoài, không thì đi trong nước.

Hơn nữa, nghệ sĩ như chúng tôi trong năm hầu như không có thời gian nghỉ. Những ngày mọi người được nghỉ lễ, mình lại đi diễn, phục vụ công chúng.

Tôi cũng quan niệm mình đi để biết các tỉnh thành khác ăn Tết như thế nào. Có những nơi làm bánh tét, có nơi làm bánh chưng hay nhiều loại mứt khác nhau. Hoặc bạn đi ngắm hoa mai, đào rừng ở vùng Tây Bắc vào dịp Tết cũng rất hay.

Vân Dung: 'Vắng tiếng pháo, mất 60% không khí Tết'
Hình ảnh đời thường của Vân Dung và đồng nghiệp. Ảnh: FBNV


- Nhưng ông bà, bố mẹ thường thích con cháu sum vầy trong những ngày này. Bố mẹ chị phản ứng thế nào?

- Bố mẹ tôi cũng thoải mái, suy nghĩ hiện đại. Ông bà thường nói con còn sức khỏe thì nên đi đây đi đó, hoạt động xã hội nhiều. Chẳng lẽ suốt cuộc đời mình cứ chỉ ở nhà, không đi đâu? (cười).

- Trong thời buổi công nghệ hiện đại với guồng quay công việc bận rộn, có bao giờ chị hoài niệm về những mùa xuân ngày xưa? Chị thấy Tết xưa và Tết nay khác nhau ra sao?

- Với cảm nhận của riêng tôi thì khác nhất ở tiếng pháo. Vắng tiếng pháo, mất đến 60% không khí Tết. Nếu mình kiểm soát được, dùng đúng lúc đúng chỗ và không gây nguy hiểm cho người dân, mỗi nhà chỉ cần một băng pháo tép bé xíu, đốt tạch tạch trước cổng. Rồi mùi pháo thơm bốc lên, đêm 30 sẽ rất tuyệt!

- Cuộc sống có hiện đại bao nhiêu thì với người Viêt, bữa cơm chiều 30 Tết vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Gia đình chị có giữ nếp ăn bữa cơm tất niên?

- Năm nào cũng vậy, vào đêm Giao thừa, anh chị em tôi thường tụ tập ở nhà bố mẹ, thắp hương, ăn cơm. Rồi cả nhà cùng xem Táo quân, bắn pháo hoa. Sau khoảnh khắc bước sang năm mới, con cháu bắt đầu mừng tuổi ông bà.

Xong xuôi, chúng tôi sẽ đi lễ chùa. Nhưng năm nào mệt quá, tôi về nhà nghỉ ngơi, rồi sáng mồng một mới đi.

- Ngày Tết, chị hay trổ tài nấu món gì?

- Canh măng, cá kho và các món xào là những món ăn không thể thiếu. Đặc biệt, ngày Tết tôi rất thích ăn cơm với cá kho (cười).

Chưa nghĩ đến chuyện sinh thêm con

- Năm Bính Thân chuẩn bị gõ cửa, vậy chị có những điều ước gì trong năm mới này?

- Đến tuổi tôi bây giờ, chỉ mong sức khỏe và bình yên cho mình, cho gia đình và mọi người. Những hỉ, nộ, ái ố đều đã qua rồi!

- Con trai đầu cũng đã lớn, chị chưa có ý định sinh thêm em bé sao?

- Thú thực tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Ngày trước thằng bé hay ốm, chăm sóc vất vả lắm. Giờ con đã học lớp 9, sức khỏe cũng tốt hơn hồi nhỏ.

Thằng bé thích nghệ thuật, thể thao và tham gia đội văn nghệ của trường nhưng không bao giờ cho mẹ đi xem diễn vì xấu hổ (cười).

Vân Dung: 'Vắng tiếng pháo, mất 60% không khí Tết'
Nghệ sĩ Vân Dung và con trai. Ảnh: T.L


- Vậy chị có hướng con theo nghệ thuật không?

- Tôi không thích con theo nghệ thuật và cũng không cho thằng bé theo học trường lớp bài bản. Nhưng con đều tự xem tivi, clip trên mạng rồi học nhảy theo. Tôi nghĩ cứ để con làm theo sở thích, cái gì đến rồi sẽ đến!

- Trong năm qua, các đồng nghiệp thân thiết của chị như Tự Long, Quang Thắng đều được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Chị có mong muốn những cống hiến của mình sớm được công nhận bằng danh hiệu?

- NSND, NSƯT là những danh hiệu cao quý do nhà nước ghi nhận. Anh Long, anh Thắng, anh Bắc đều mong chờ giây phút này nên tôi cũng vui, hạnh phúc cho mọi người. Họ rất xứng đáng!

Có thể tôi hơi lập dị, không giống mọi người. Với tôi, cái quan trọng nhất là được ở trong lòng khán giả.

Theo Tri thức

Tin tức mới nhất