Khi thắp hương, người ta thường bày chuối xanh trên mâm cúng, và chúng ta có thể thấy một hiện tượng thú vị là chuối xanh thường rất nhanh chín sau khi thắp hương dù không được ủ trong thùng kín. Dân gian cũng thường áp dụng mẹo thúc chín bằng cách thắp vài cây hương trong thùng ủ, chuối sẽ chín nhanh. 

Vì sao chuối xanh rất mau chín sau khi thắp hương?

Khói hương chính là một trong những yếu tố khiến chuối xanh mau chín sau khi thắp hương. Khói này chứa nhiều hợp chất hóa học, trong đó có một lượng nhỏ ethylene hoặc các hợp chất có thể kích hoạt sản sinh ethylene trong trái cây. Khi khói hương tiếp xúc với chuối, nó có thể kích thích quả chuối sản sinh ra nhiều ethylene hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình chín.

Mặt khách, khi chuối được bày trên mâm cúng trong một không gian kín như phòng thờ hoặc gian phòng ít thông gió, khí ethylene sẽ dễ dàng tích tụ hơn. Điều này càng làm tăng nồng độ ethylene xung quanh quả chuối, khiến chuối xanh rất mau chín sau khi thắp hương nếu so với việc để chúng trong môi trường thông thoáng.

Nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ chín của chuối. Khi thắp hương, không gian xung quanh mâm cúng thường ấm lên do nhiệt từ lửa hương và ánh nến. Nhiệt độ cao sẽ làm tăng tốc độ hoạt động của các enzym trong chuối, thúc đẩy quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường, từ đó làm chuối mau chín.

Trong không gian thờ cúng, độ ẩm thường cao hơn do sự bốc hơi nước từ các bát hương, chén nước, hoặc hoa quả khác trên mâm cúng. Độ ẩm kết hợp với nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chín của chuối.

Vì sao chuối xanh rất mau chín sau khi thắp hương?-1
Có nhiều lý do khiến chuối xanh rất nhanh chín sau khi tắp hương. (Ảnh: Pintershg)

Cách làm chuối chín nhanh bằng hương

Nếu muốn chuối chín nhanh hơn, bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ là đặt chuối trong một không gian kín cùng với vài cây hương đang cháy. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên để hương cháy quá lâu gần chuối, vì nhiệt độ cao quá mức có thể làm cháy vỏ chuối hoặc ảnh hưởng đến chất lượng chuối.

Ngoài ra, nếu không sử dụng khói hương, bạn có thể đặt chuối cùng với các loại trái cây khác như táo, lê trong một túi giấy kín. Táo và lê cũng sản sinh nhiều ethylene, giúp kích thích quá trình chín của chuối.

Những người không nên ăn nhiều chuối

Chuối tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là những người được khuyến cáo nên hạn chế ăn chuối:

Người bị bệnh thận, có nồng độ kali cao: Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Eatthis chia sẻ lời khuyên của chuyên gia Melendez: "Những người có nồng độ kali cao cũng có thể mắc bệnh thận hoặc các vấn đề về thận. Việc hạn chế một số loại thực phẩm giàu kali (chuối, cam, dưa hấu) có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh".

Người bị đau dạ dày: Mặc dù chuối thường dễ tiêu hóa nhưng không phải ai cũng có thể dung nạp được. Chuối chứa nhiều đường fructose, sorbitol và chất xơ hòa tan, không tốt cho những người đang có vấn đề về đường tiêu hóa.

Ngoài ra, đối với một số người, chuối có thể gây đầy hơi do lượng chất xơ hòa tan và một loại rượu đường tự nhiên trong chuối. Chất xơ hòa tan rất cần thiết nhưng nếu quá nhiều có thể gây ra cảm giác đầy hơi. Vì vậy bạn hãy cân nhắc về chế khẩu phần của mình. Thay vì ăn một hoặc nhiều quả chuối mỗi ngày, hãy bắt đầu bằng cách ăn nửa quả để xem các triệu chứng của bạn có thuyên giảm không.

Người đang uống một số loại thuốc: Cũng theo chuyên gia Melendez:, có một số loại thuốc tương tác với thực phẩm. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xem  loại thuốc bạn dùng có thể tương tác với chuối hay không.

Hai loại thuốc bạn nên tránh sử dụng khi ăn chuối là thuốc ức chế men chuyển (như lisinopril, enalapril hoặc ramipril) và spironolactone. Theo Trường Y Harvard, các thuốc này tăng nồng độ kali trong máu.

Người đang đói bụng: Chuối có tính axit. Các chuyên gia cho rằng việc dùng thực phẩm có tính axit khi bụng đói có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, chuối có nhiều kali và magiê nên việc ăn khi đói và ăn nhiều có thể dẫn đến dư thừa hai chất dinh dưỡng này trong máu, gây hại cho tim.

Theo VTC News