Cơn sốt selfie hiện nay còn nguy hiểm hơn cả cá mập tấn công. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Du lịch vào năm 2022 đã phát hiện ra 379 trường hợp tử vong tại các điểm du lịch liên quan đến chụp ảnh tự sướng trong suốt 13 năm qua. 

Trong số này, 140 khách du lịch đã chụp được bức ảnh cuối cùng của mình trước khi tử vong một cách bi thảm. Trong khi đó, chỉ có 90 vụ chạm trán chết người trong cùng khoảng thời gian liên quan đến cá mập, chủ yếu là bất ngờ, không thể lường trước.

Mới tháng trước, một chiếc thuyền gondola đã bị lật úp ở Venice (Italy), khi một nhóm du khách không chịu ngừng chụp ảnh selfie và ngồi xuống.

Ngay trước khi xảy ra tai nạn, người lái thuyền gondola đã yêu cầu cả nhóm không di chuyển xung quanh trong khi anh cố gắng di chuyển dưới một cây cầu thấp. Rất may không có ai bị thương.

Vì sao chụp ảnh tự sướng còn nguy hiểm hơn cả cá mập tấn công?-1

Việc theo đuổi những bức ảnh selfie hoàn hảo trên mạng xã hội đã khiến khách du lịch rơi vào một thế giới cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến những sự cố bi thảm, bao gồm cả những cú ngã chết người từ vách đá, tai nạn ô tô và tàu hỏa, chạm trán động vật hoang dã nguy hiểm và những vụ chết đuối không lường trước.

Kết quả là, khách du lịch hiện đang phải đối mặt với những án phạt rất nặng hay thậm chí phải ngồi tù khi 'đâm đầu' vào việc selfie và biến nó trở thành hành động nguy hiểm, gây rối và phá hoại.

Vào tháng 12, một nữ du khách 24 tuổi đã thiệt mạng đầy thương tâm khi cố gắng chụp ảnh selfie ở rìa Pháo đài Prabalgad ở Ấn Độ. Cô rơi từ độ cao 60 mét xuống một hẻm núi.

Vì sao chụp ảnh tự sướng còn nguy hiểm hơn cả cá mập tấn công?-2

Trong giải đua xe đạp nổi tiếng của Pháp Tour de France năm 2023, một khán giả cố gắng chụp ảnh tự sướng với các tay đua đi ngang qua đã kẹp vào tay lái của một tay đua xe đạp người Mỹ, khiến 20 tay đua phía sau đâm nhau liên tiếp trong chặng 15 của cuộc đua.

Giới chức Portofino ở miền bắc Italy, đã ban hành lệnh cấm selfie tạm thời ở một số khu vực của thành phố vào năm ngoái để ngăn chặn tình trạng quá tải trên những con phố chật hẹp. Lệnh cấm được ban hành sau sự kiện được mô tả là "đầy hỗn loạn" do khách du lịch chặn đường để chụp ảnh.

Mạo hiểm mạng sống để có được bức ảnh hoàn hảo

Chụp được bức ảnh hoàn hảo để đăng lên mạng xã hội thường dẫn đến hành vi nguy hiểm, bắt nguồn từ mong muốn nổi bật trong khung cảnh đông đúc.

Bên cạnh đó còn là những mong muốn về lượt thích, lượt chia sẻ và sự nổi tiếng, khiến những bức ảnh selfie nguy hiểm ngày càng phổ biến. Việc tìm kiếm bức ảnh đẹp nhất có thể khiến mọi người bỏ qua các cảnh báo an toàn hoặc mạo hiểm đến những nơi đầy hiểm trở.

Trong số 379 ca tử vong liên quan đến chụp ảnh selfie trên toàn thế giới từ năm 2008 đến năm 2021, 37,2% là khách du lịch. Ngã từ trên cao chiếm 49,9% tổng số ca tử vong, tiếp theo là liên quan đến vận tải (28,4%) và đuối nước (15,3%).

Vì sao chụp ảnh tự sướng còn nguy hiểm hơn cả cá mập tấn công?-3

Độ tuổi trung bình của nạn nhân selfie trong khoảng thời gian này là 24,4 tuổi. Phụ nữ có nhiều khả năng bị thương nặng hơn khi ngã từ trên cao và chạm trán với động vật. Trong khi đó, nhiều nam giới thiệt mạng hơn với các rủi ro liên quan đến vận tải.

Các quốc gia có số ca tử vong do chụp ảnh selfie cao nhất bao gồm Ấn Độ (26,4%), Mỹ (10,3%) và Nga (8,7%).

Điều tồi tệ hơn là theo một nghiên cứu của Tạp chí Y học Gia đình và Chăm sóc sức khỏe ban đầu, những cái chết liên quan đến selfie rất có thể không được báo cáo đầy đủ vì chúng thường không được liệt kê là nguyên nhân gây tử vong.

Những bức ảnh selfie nguy hiểm là một vấn đề sức khỏe cộng đồng

Theo phân tích khoa học của Đại học New South Wales (UNSW) ở Sydney (Australia), truyền thông có xu hướng miêu tả việc chụp ảnh selfie nguy hiểm là ngu ngốc và ích kỷ nên thường đổ lỗi cho nạn nhân.

Tuy nhiên, việc chụp ảnh tự sướng hiện đã trở thành một hoạt động phổ biếntrong cuộc sống hàng ngày và các nhà khoa học này khẳng định rằng hành vi chụp ảnh tự sướng đầy rủi ro cần được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Tương tự, các thế hệ trước coi việc lái xe không thắt dây an toàn, đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm và hút thuốc lá là những hoạt động hàng ngày 'bình thường' nhưng hiện nay chúng đều là những mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Bằng cách thừa nhận những hành vi nguy hiểm này là vấn đề sức khỏe cộng đồng, chúng ta ngừng đổ lỗi và xấu hổ mà thay vào đó bắt đầu thực hiện các bước nhằm phòng ngừa và giáo dục.

Đây sẽ là một bước tiến xa hơn so với các quyết định trước đây nhằm chỉ định các khu vực du lịch nguy hiểm, chẳng hạn như vùng nước, đỉnh núi và các tòa nhà cao tầng, là “khu vực cấm chụp ảnh tự sướng”.

Những điểm đến hạn chế chụp ảnh selfie

Công ty Đường sắt JR West của Nhật Bản đã cấm sử dụng gậy selfie trên sân ga của mình để ngăn ngừa điện giật do dây điện trên cao và rơi xuống đường ray. 

Sau một loạt vụ tai nạn liên quan đến chụp ảnh tự sướng ở Mumbai (Ấn Độ), chính phủ đã ban hành lệnh cấm chụp ảnh tự sướng ở một số khu vực trong thành phố, bao gồm một số bãi biển, địa điểm lễ hội và các điểm du lịch. Ở Pamplona (Tây Ban Nha), việc chụp ảnh tự sướng trong Lễ hội chạy đua bò tót hàng năm là bất hợp pháp do đã ăn quá nhiều trước đó.

Tại Mỹ, thành phố New York đã thông qua dự luật cấm chụp ảnh tự sướng với mèo rừng trừ khi có rào cản vật lý giữa người và động vật. Tương tự, du khách đến hồ Tahoe được yêu cầu không chụp ảnh selfie với gấu vì quay lưng lại gần một con gấu là cực kỳ nguy hiểm.

Sự phổ biến của việc chụp ảnh selfie, đặc biệt là trong giới trẻ, đã dẫn đến sự gia tăng số vụ tai nạn và tử vong. 

Vì sao chụp ảnh tự sướng còn nguy hiểm hơn cả cá mập tấn công?-4

Một số nơi đã triển khai các biển cảnh báo, hạn chế tiếp cận các khu vực nguy hiểm và tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức. Nhưng những bước này có thể không giải quyết đầy đủ vấn đề cơ bản của hành vi chấp nhận rủi ro nhằm mục đích được truyền thông xã hội công nhận.

Các phương pháp tiếp cận hiệu quả và sáng tạo hơn cần được thực hiện để giải quyết mối lo ngại về an toàn thời hiện đại này.

Theo VietNamnet