Người được nhắc đến chính là vua Lê Thánh Tông, có tên húy là Lê Tư Thành (1442-1497).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả, Lê Tư Thành khi mới sinh ra "thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước".

Năm 1445, Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, ở kinh sư học cùng các vương khác. Các quan đều thấy Bình Nguyên vương dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác nên cho là bậc khác thường.

Bình Nguyên vương lại sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, ưa điều thiện, thích người hiền.

"Bình Nguyên vương được thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu mến như con đẻ và được Lê Nhân Tông coi như người em hiếm có", Đại Việt sử ký toàn thư chép.

Vị vua nào có thời gian trị vì lâu nhất triều Lê?-1
Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn thịnh trị nhất được xem là niên đại Hồng Đức dưới thời vua Lê Thánh Tông. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi sát hại vua Lê Nhân Tông và thái hậu Nguyễn Thị Anh ngày 3/10/1459, Lê Nghi Dân tự lên ngôi nhưng nhanh chóng bị các đại thần giết vào ngày 6/6/1460, chỉ sau 8 tháng trị vì. 

Đến ngày 8/6/1460, Lê Tư Thành được các đại thần tôn lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thánh Tông, khi ấy 18 tuổi. Ông là vua thứ năm của nhà Hậu Lê (còn gọi là nhà Lê sơ), nếu tính cả Lê Nghi Dân.

Khi ở ngôi vua, Lê Thánh Tông rất hay cải trang, mặc quần áo thường dân, vi hành khắp chốn để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng và thị sát về đạo đức, năng lực của quan lại dưới quyền.

Chuyện kể một lần, nhà vua vi hành đến văn miếu, lúc này trời cũng đã khuya, ông vẫn thấy một giám sinh trạc 50 tuổi đang chăm chú ngồi đọc sách và thỉnh thoảng húp ngụm cháo loãng. Nhà vua đến gần hỏi: “Người húp cháo gì mà ngon thế?”“Thưa bác, con húp cháo hoa, nhà con hết muối rồi”, người này đáp.

Nhà vua rất cảm động ra về. Sáng hôm sau, có người đem gói quà đến biếu giám sinh. Khi mở ra, giám sinh bất ngờ bởi món quà là lọ muối vua ban cùng một nén bạc. Từ đó, câu chuyện nhà vua thương người nghèo ham học lan truyền khắp nước.

Trong hơn 37 năm trị vì (1460-1497), vua Lê Thánh Tông tạo ra nhiều thành tựu, đưa Đại Việt trở thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực, được các nước láng giềng kiêng nể. Đây cũng được đánh giá là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Đại Việt về mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, văn hóa, xã hội. 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chép lại việc Lê Thánh Tông là người quan tâm sâu sắc với việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia.

Trước những mối đe dọa bởi nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt, không phải để chiếm đất, giành dân mà để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của mình. 

Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông luôn kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của quân Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trong việc tranh luận, đàm phán về vấn đề biên giới, ông chủ trương mềm dẻo nhưng quyết không nhân nhượng. Chính dưới thời vua Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Ðại Việt đã được hoàn thành.

Lê Thánh Tông không chỉ là vị vua đầy tài năng và nhiệt huyết với tất cả các thành tựu nổi bật dưới thời trị vì của ông mà ông còn là cái tên không thể mờ trong lịch sử và nền văn hoá nước nhà”, sách Các triều đại Việt Nam viết. 

Theo VTC