Nhóm thanh niên thuê villa ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) để nghỉ dưỡng, sau đó ra đi bỏ lại "bãi chiến trường" từ vỏ lon bia, nước uống vương vãi trên sàn nhà đến đống thức ăn thừa gói trong chăn vứt ngoài ban công.
Nhóm bạn trẻ vô tư ném vỏ cốc nước ngọt và bỏng ngô rơi vãi tại rạp chiếu phim ở Hà Nội, rồi thản nhiên nói "sẽ có nhân viên dọn" khi được nhắc nhở.
Căn phòng đầy đủ tiện nghi của một khách sạn ở Đà Nẵng ngập ngụa trong vỏ lon, túi nylon... sau khi khách thuê rời đi khiến dân mạng ái ngại cho những người phải dọn dẹp.
Từ bãi biển, đường phố, nơi làm việc cho đến phòng khách sạn - dường như hành động xả rác có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Và chủ nhân của việc làm này dĩ nhiên bị đám đông ngoài cuộc "ném đá", cho rằng "có tiền đi du lịch mà không có tiền mua ý thức".
Tuy nhiên, một số ít coi hành động xả rác là đương nhiên, bởi "bỏ tiền ra mua dịch vụ thì có quyền làm mọi thứ".
Hình ảnh căn villa bừa bộn, bị xả rác bừa bãi ở Quảng Ninh khiến nhiều dân mạng bức xúc. Ảnh: Rio Nguyễn.
"Mua mâm phải đâm cho thủng"
Chứng kiến những hình ảnh xấu xí của người Việt khi đi du lịch, tài khoản Nguyễn Cường chia sẻ: "Đành rằng chúng ta bỏ tiền đi nghỉ dưỡng để được phục vụ và trải nghiệm dịch vụ, nhưng hãy tội nghiệp cho người lao công dọn dẹp".
Nguyễn Hiền (25 tuổi, Thanh Hoá) - nữ nhân viên dọn phòng chia sẻ việc thường xuyên phải lau dọn những phòng nghỉ, khách sạn như "bãi chiến trường".
Vỏ nước ngọt, bỏng ngô bị các bạn trẻ vứt bừa bãi trong rạp chiếu phim. Ảnh: Kim Chi.
Cô viết: "Ít ai biết rằng, để làm những công việc trên, ngành dịch vụ chúng tôi phải qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp mới có thể vào làm việc. Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt ngăn nắp, lịch sự và tip cho phục vụ phòng".
Chia sẻ của nữ nhân viên này nhận được nhiều sự đồng tình, song cũng có một số ý kiến phản đối.
Trần Tiến (30 tuổi, Hà Nội) cho rằng người ta bỏ tiền ra mua dịch vụ để hưởng thụ thì họ có quyền làm mọi thứ mình muốn, kể cả quyền được xả rác. Còn nhân viên dọn phòng, làm công ăn lương thì dọn rác là chuyện đương nhiên, không có gì phải kêu ca hay phàn nàn.
Thậm chí thành viên Hoa Cỏ May đặt câu hỏi: "Thế không lẽ bỏ tiền ra thuê villa xong ăn uống ngủ nghỉ phải tự dọn à?".
Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ cho việc "bỏ tiền là có quyền xả rác" chỉ là số ít. Phần lớn những quan điểm bao biện cho hành vi bất chấp văn hóa, văn minh đều bị lên án.
"Vậy cứ có tiền là vô ý thức à?", "Cứ đóng tiền là có quyền quăng rác ra đường phải không?"... là những ý kiến phản đối việc trả tiền là có quyền được xả rác.
Làm sạch phòng nghỉ, khách sạn hay rạp chiếu phim là trách nhiệm của nhân viên dọn phòng. Tuy nhiên, bạn Kim Dung cho rằng nếu chúng ta có ý thức bỏ rác đúng chỗ thì sẽ phần nào giảm tải lượng công việc cho những người lao công. Đây cũng là cách để hình thành thói quen giữ vệ sinh chung, xây dựng cuộc sống văn minh.
"Những người làm nghề dịch vụ như tôi đều ý thức được công việc đang làm. Tuy nhiên tôi muốn nhận được sự cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn từ phía khách hàng", người này nói.
Độc giả Nguyễn Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) cho rằng xét về lý khách hàng không sai vì không có quy định nào yêu cầu họ phải giữ gìn vệ sinh trong phòng.
"Việc dọn phòng, xếp chăn màn vốn không phải việc khách phải làm. Nhưng xét trên khía cạnh 'tình' và cách ứng xử, chúng ta có thể làm những việc đơn giản nhất như vứt rác vào sọt. Những hành động đó giúp chúng ta trở nên lịch thiệp hơn", người này nêu quan điểm.
Nickname Minh Phương bình luận: "Đã đến lúc tâm lý 'mua mâm phải đâm cho thủng' cần được đào thải. Bởi tâm lý này sẽ dẫn đến thói quen xấu. Khi thói quen trở nên khó bỏ, những điều bạn nghĩ rằng chỉ là chuyện nhỏ sẽ biến hình ảnh của bạn trở nên 'kém sang' hơn".
Ác mộng của nhiều nước
Không chỉ tại Việt Nam, những hành động "xấu xí" khi sinh hoạt ở nơi công cộng, nhất là tại các điểm du lịch của một bộ phận người dân cũng trở thành nỗi ác mộng của nhiều nước trên thế giới.
Dù bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ, chủ nhân những hành vi này vẫn bị nhiều người lên án vì thể hiện ý thức kém.
Giữa tháng 9 năm ngoái, trong chuyến du lịch đến Nhật Bản, 3 nữ sinh viên Trung Quốc đã thuê một căn hộ thông qua ứng dụng cho thuê phòng trung gian. Sau 5 ngày cư trú, nhóm nữ sinh rời đi và để lại căn hộ ngập trong "núi" rác.
Chủ sở hữu rất tức giận khi nhận lại căn hộ này. Loạt ảnh được ông ghi lại cho thấy nhà cửa lộn xộn, rác trong phòng chất thành từng đống, đồ dùng cáu bẩn và nhiều thứ bị thất lạc.
Không chỉ vậy, nhóm nữ sinh này còn viết, vẽ nhiều hình ảnh thô tục vào cuốn sổ hướng dẫn dành cho khách.
Sau khi được chia sẻ lên mạng, hành động vô ý thức của 3 cô gái vấp phải làn sóng chỉ trích của nhiều người. Theo Toutiao News, chủ căn hộ đã yêu cầu nhóm sinh viên trả gấp đôi chi phí dọn dẹp song bị từ chối.
Hình ảnh căn hộ tại Nhật Bản được sử dụng bởi nhóm nữ sinh viên Trung Quốc sau 5 ngày. Ảnh: Weibo.
3 cô gái bao biện rằng không tìm thấy thùng rác trong căn hộ và bản thân "không có nghĩa vụ phải dọn dẹp vì đó không phải nhà của mình".
"Chúng tôi trả tiền để đến đấy ở, không phải để dọn dẹp. Đó không phải nhà của chúng tôi. Chúng tôi không cần dọn sạch nơi đó", một người nói.
Sau khi chủ căn hộ đáp lại bằng bức ảnh chụp 3 thùng rác ở ban công, nhóm nữ sinh viên đành xin lỗi và phải trả cho chủ nhà 6.666 yên (khoảng 60 USD).
Theo South China Morning Post, dựa vào hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội, các công ty du lịch đã lên danh sách một số quốc gia "nổi tiếng" có người dân hành xử kém ở nơi công cộng khi đi du lịch.
Trung Quốc ban hành nhiều hướng dẫn, quy định người dân về cách ứng xử ở nơi công cộng khi đi du lịch. Tranh: Lau Ka Kuen.
Liên tục mất điểm với bạn bè quốc tế bởi ý thức kém của một bộ phận người dân, năm 2013, chính phủ Trung Quốc phải ban hành các quy định và hướng dẫn người dân khi đi du lịch nước ngoài để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, người dân phải tuân thủ trật tự công cộng và các chuẩn mực đạo đức xã hội khi đi du lịch, tôn trọng phong tục, văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, bảo vệ môi trường và không gây tổn hại đến các di sản, công trình xây dựng ở khu du lịch.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Trung Quốc cũng ban hành cuốn sách dài 64 trang hướng dẫn người dân về các lưu ý khi du lịch nước ngoài.
Cuốn sách này chỉ ra những điều “không nên làm” ở nơi công cộng như: khạc nhổ, cởi giày và tất, đi tiểu tiện hay ra ngoài với trang phục, cơ thể không sạch sẽ.
Theo Zing