Việt Hương và tuổi thơ đầy nước mắt

Dí dỏm, đáng yêu luôn chọc cười khán giả bằng cách diễn rất tinh tế, đó là những điều Việt Hương luôn dành tặng cho khán giả mỗi khi cô bước lên sân khấu.

Nếu như có một Thúy Nga chuyên trị những vai bà già thì sẽ có một Việt Hương dễ thương và vô cùng đáng yêu trong những vai trẻ con. Tuy nhiên, không rập khuôn trong các vai trẻ con, Việt Hương còn lăn xả ở những vai bà bán hàng rong, một má mì õng ẹo với khách, nhưng lại cực kỳ khó tính trước đàn em của mình.


Diễn viên hài Việt Hương

Nước mắt thời thơ ấu

Người ta vẫn bảo tuổi thơ của một con người thường ảnh hưởng nhiều đến tính cách của người ấy trong tương lai. Điều này có lẽ đúng với Việt Hương. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật từ khá lâu đời. Ông ngoại của Việt Hương vốn là nhà ảo thuật xiếc Huỳnh Thế Sơn. Ba cô là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật nên chất nghệ thuật đã thấm vào cô từ những ngày còn rất nhỏ. Cũng vì vậy mà ngày đó Việt Hương đã dạn dĩ so với những người bạn cùng trang lứa.

Tuy nhiên, cuộc đời vốn thường trắc trở. Khi ba mẹ chia tay, Việt Hương đã trải qua những ngày tháng buồn nhất của cuộc đời vì thiếu vắng tình thương đầy đủ của gia đình. Nhưng chính hoàn cảnh gia đình đã khiến Việt Hương biết tự lập ngay những ngày còn nhỏ. Mạnh mẽ, quyết đoán nhưng đôi khi cô con gái nhỏ Việt Hương rất nhạy cảm. Trái tim mong manh dễ vỡ của Việt Hương như rung lên mỗi lần ốm nặng. Những lúc ấy cảm giác tủi thân lại tìm về khiến Việt Hương bỗng thèm đôi bàn tay chăm sóc của ba. Thế nhưng những chuyến lưu diễn phiêu bạt khắp nơi cứ cuốn ông đi miết. Việt Hương buồn và khóc nhiều, nhưng cũng chỉ giấu những giọt nước mắt chứ không để cho má thấy vì sợ làm cho bà buồn thêm.

Lớn lên một chút, Việt Hương biết cùng mẹ phụ giúp gia đình. Dù dáng người nhỏ bé, nhưng bên trong Việt Hương là một tinh thần làm việc rất mạnh mẽ. Để có tiền phụ giúp mẹ, cô bé Việt Hương phải trải qua rất nhiều công việc.

Vì còn nhỏ nên Việt Hương cũng chưa có nghề nghiệp hay kiến thức gì. Nhưng có lẽ vốn có chút năng khiếu nghệ thuật trong gia đình nên Việt Hương cũng đánh liều nhận show đi hát ở nhà hàng, quán ăn. Không chỉ đi hát, cô còn nhận làm cả những công việc lao động vất vả để kiếm tiền.

Nhớ về những ngày tháng cơ cực của mình, Việt Hương tâm sự: "Nhiều lúc bị người ta vùi dập, vừa đau vừa ức, chạy xe ngoài đường mà nước mắt chan hòa với nước mưa, nhưng tính Hương gan lỳ vô cùng. Hương không cho phép mình gục ngã, mình phải vươn lên để họ không đạp mình xuống được nữa".

Tuổi thơ của Việt Hương đã trải qua những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời. Vất vả, buồn tủi luôn như một người bạn bên cô gái nhỏ, nhưng đôi lúc ngồi ngẫm lại đó vẫn là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Việt Hương chia sẻ: "Ngày trước, tôi thấy buồn vì thiếu tình cảm người cha, thèm có cha đứng bên xoa đầu, xoa lưng mỗi khi mình bệnh. Nhưng bù lại bên tôi luôn có tình thương yêu vô bờ của má. Đối với tôi, tuổi thơ như thế là đẹp rồi". Có lẽ cũng chính từ môi trường này đã tạo cho Việt Hương một cá tính mạnh mẽ, cứng rắn để vượt qua những giông bão cuộc đời, giúp chị vững bước trên con đường nghệ thuật của mình.

Hết mình với sân khấu


Cuộc đời Việt Hương chuyển sang lối rẽ khác khi chị thi đậu vào trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (nay là đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM). Ban đầu, Việt Hương theo học để trở thành một diễn viên chính kịch. Nhưng có lẽ, cái duyên hài mới thật sự là của chị.

Với sự dìu dắt của nghệ sĩ hài Minh Nhí, Việt Hương nhanh chóng nhận ra máu hài trong người mình. Khi chuyển qua lớp diễn viên hài, với sự nhanh nhẹn, và hoạt bát của mình, Việt Hương được tin tưởng giao chức lớp trưởng để quản lý lớp. Không phụ lòng của mọi người, Việt Hương không chỉ quản lý lớp giỏi mà thành tích học tập của chị luôn khiến cả lớp khâm phục. Chị luôn là sinh viên xuất sắc trong nhiều năm liền.

Thời ấy, được loại xuất sắc, sinh viên thường được nhận học bổng là 55 ngàn đồng. Số tiền đó khá lớn, nó đủ để Việt Hương tự chi tiêu và xoay sở việc học, nhưng trên cả đó là nguồn động viên với Việt Hương. Lúc đó gia đình của Việt Hương cũng còn rất khó khăn, số tiền trên đối với Việt Hương có giá trị như một căn nhà nên cô luôn phấn đấu để được 10 điểm chuyên môn mà giữ vững phần học bổng đạt được.



Nhiều khi vì quá đam mê với nghề, Việt Hương cứ lăn lóc trên sàn tập ở trường mà diễn. Tập từ lúc đông người đến lúc vắng hoe, rồi chẳng còn ai mà chị vẫn chưa về. Nhiều khi tối quá chị lại đâm ra sợ ma. Dù bụng dạ rất sợ ma nhưng Việt Hương vẫn rất lỳ mà luyện tập. Chính nhờ sự chăm chỉ, cộng với năng khiếu vốn có mà Việt Hương rất thành công trong nghề nghiệp.

Điểm nổi bật của chị là có thể đóng nhiều dạng vai khác nhau. Đang đóng vai một người phụ nữ sồn sồn chanh chua, ngoa ngoắt nhưng thoắt một cái chị nhập vai vào một đứa trẻ hiền lành, ngây thơ một cách ngọt lịm. Có hơn chục vai nhí, nhưng có lẽ người xem nhớ nhất là Liên trong Trò Đùa của người lớn, Hoài Thu trong Hoài Thu của tôi... Đa phong cách trong các vai, Việt Hương còn có khả năng diễn xuất về hài kịch lẫn bi kịch. Chị bảo, sau những vai hài, chị lại thích đắm mình vào các vai bi, vì đó là cách để nâng cao trình độ diễn xuất của mình. Với nghệ thuật, Việt Hương cũng có quan điểm rất rõ ràng: "Tôi là người thích tranh đấu, thích ganh đua chứ không thích ganh tị và tranh giành”.

Trong những năm đầu khi chương trình gala cười của Đài truyền hình Việt Nam xuất hiện, Việt Hương càng có đất để chinh phục khán giả. Và quả thật, chị nhanh chóng được mọi người yêu mến. Đây được xem như một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời làm hài kịch của Việt Hương.

Khi biểu diễn chị chinh phục khán giả bằng lối diễn hài thông minh, nhạy bén. Việt Hương cũng không ngừng tìm hiểu, quan sát cuộc sống để đúc kết những lối diễn tinh tế nhất để cống hiến đến khán giả. Nhiều khi Việt Hương tự chiêm nghiệm về cuộc đời làm nghệ thuật của mình bằng một triết lý: "Nghề diễn không chỉ dành cho những đứa trẻ có gia đình đổ vỡ mà là nghề dành cho những người bản lĩnh và cứng rắn, dù bị vùi dập, chà đạp đến đâu cũng sẽ tìm mọi cách để vươn lên”.



Đôi khi nghề nghiệp để lại cho Việt Hương nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như lần cô đến Mỹ biểu diễn, vì là lần đầu tiên nên có nhiều thứ Việt Hương chưa có kinh nghiệm. Vào đến cửa khẩu, Việt Hương không nhớ tên khách sạn mà mình lưu trú, đang bối rối thì Việt Hương liền bị đưa vào phòng khai báo. Đứng trước một anh chàng hải quan cao lớn, bự con cỡ 2m, cô ra sức khua chân múa tay náo loạn cả lên nhưng anh chàng bự con kia không hiểu một chút gì. Thấy vậy, họ cử ra một người phiên dịch quốc tịch Philippines đến. Anh chàng cũng ra sức nói, nghe loáng thoáng Việt Hương thấy mấy chữ music. Vậy là chị nhanh trí giới thiệu mình là singer star- tức ca sĩ nổi tiếng. Chưa kịp để hải quan suy nghĩ thêm chị hát luôn một câu vọng cổ cho thêm phần thuyết phục. Nghe xong, anh hải quan gật đầu và không hỏi gì thêm. Sau ngày hôm đó, Việt Hương được lưu trú đến 6 tháng.

Cuộc đời đã đưa Việt Hương đến với nghệ thuật, với sân khấu và khán giả. Ở đó, có những niềm vui và có cả những nỗi buồn nhưng đó là những điều thiêng liêng và ý nghĩa nhất của cuộc đời Việt Hương. Chị tâm niệm: "Nếu có kiếp sau, tôi cũng xin được làm công việc này một lần nữa...".

Theo Người đưa tin

Tin tức mới nhất