'Vợ cầm vô lăng, tôi ngồi bên giật mình thon thót'

Lần đầu ngồi bên cạnh vô lăng của vợ, anh Nam giám đốc công ty xây dựng nhiều lần giật mình thon thót, lắm khi run rẩy toát mồ hôi.

10 năm trở lại đây, xã hội phát triển, nhu cầu học lái xe của chị em phụ nữ ngày càng tăng.

Qua khảo sát nhanh tại một số trung tâm dạy lái xe trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng học viên nữ chiếm tới 40%. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông khẳng định, họ không thích phụ nữ lái xe.

Quý bà cầm vô lăng, chồng ngồi sau run rẩy

Đó là lời nhận xét của anh Trần Văn Bộ (SN 1986 - Hoàng Mai - Hà Nội). Anh Bộ cho biết, anh không khuyến khích phụ nữ lái xe vì nhiều yếu tố. Trong số đó phải nhắc đến vấn đề về tâm lý và phản xạ kém khi lái.

Vợ cầm vô lăng, tôi ngồi bên giật mình thon thót-1
Anh Trần Văn Bộ.

Người đàn ông này giải thích: “Tôi thừa nhận nhiều phụ nữ lái xe giỏi, có khi thành thạo hơn cả nam giới. Nhưng tỷ lệ đó không cao. Phần lớn chị em phụ nữ khi điều khiển phương tiện trên đường, gặp các tình huống bất ngờ thường hoảng hốt, đạp nhầm chân phanh sang chân ga.

Gần đây những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, làm nhiều người tử vong và bị thương nặng ở Hà Nội, TP HCM do phụ nữ lái xe đều rơi vào tình huống này”, anh Bộ nhận xét.

Anh Bộ chia sẻ thêm, khi lái xe cần phải giữ cho tâm lý ổn định. Như vậy mới đảm bảo được an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Anh Trịnh Tuấn Nam (SN 1975 – Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi lần đầu ngồi bên cạnh vô lăng của vợ.

"Vợ tôi tham gia một câu lạc bộ dành cho quý bà thành đạt. Trong hội ai cũng sử dụng xe riêng, tự lái. Để cho bằng bạn, bằng bè, vợ đòi đi học lái xe", anh Nam bắt đầu kể.

Anh cho biết: "Tôi khuyên vợ đừng học, vì cô ấy đi xe máy ngày nào cũng va quệt, đổ xe. Thuyết phục không thành, tôi đành đăng ký, nộp hồ sơ cho vợ. Quá trình học, vợ thuê riêng một thầy kèm cặp. Người khác chỉ mất vài buổi là quen xe, thành thạo các thao tác sử dụng và nút điều khiển. Vợ tôi học 3 tuần vẫn vậy.

Đến khi lên xe vẫn quên chân nào chân phanh, chân nào chân ga. Còi với xi nhan lẫn lộn. Thầy giáo nhiều lúc còn phát cáu, quát ầm lên. Trước ngày thi lấy bằng, thầy giáo nhắn tin, gọi điện nhắc nhở từng động tác khi lái", anh Nam than thở. 

Nhưng rốt cục, anh ngao ngán: "Tôi nghĩ kiểu gì vợ cũng trượt. Ai ngờ, cô ấy hí hửng khoe mình vừa thi đỗ bằng B2".

Theo lời anh Nam, lần hai vợ chồng về ăn cưới ở Nam Định, sợ vợ chưa thành thạo nên anh không cho lái. Thế là vợ giận dỗi, đòi bắt xe khách đi một mình. Không còn cách nào khác, anh đành chiều ý.

Nhưng "vợ ngồi sau vô lăng, tôi giật mình thon thót. Có lúc cô ấy cuống quýt, đánh lệch tay lái, va cả xe vào dải phân cách. Gặp xe đi cùng chiều phóng vụt qua, vợ hét lên, mặt tái mét rồi bất ngờ cho xe dừng giữa đường. Phương tiện phía sau bấm còi inh ỏi, xen lẫn cả tiếng văng bậy”, anh Nam kể.

Anh Nguyễn Minh Khải (SN 1990 - Cầu Giấy, Hà Nội) giáo viên ngoại ngữ thở dài kể về lần gặp va chạm, suýt ẩu đả vì một phụ nữ lái chiếc xe Toyota màu đen.

Giọng bực bội, anh kể: “Hôm đó vào giờ tan tầm. Đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tôi dừng sau chiếc xe Toyota màu đen, biển số Hải Phòng. Đèn xanh bật lên nhưng chiếc xe đó không đi. Hàng dài xe phía sau tôi bấm còi. Tôi sốt ruột, chạy lên kiểm tra. Bên trong là người phụ nữ tầm 30 tuổi, đang tô son, kẻ mắt qua gương chiếu hậu".

Anh Khải cho hay, anh đã nhắc nhở chị khẩn trương điều khiển xe ra chỗ khác, người phụ nữ gật đầu ra vẻ hiểu ý nhưng chiếc xe vẫn đứng yên đó. Bị người đi đường la ó, thúc giục, anh không giữ được bình tĩnh, nói lớn tiếng.

"Song người đó chẳng vừa, nhảy ra gây sự, hùng hổ mạt sát tôi. Mọi người phải ra can ngăn hai bên để tránh xảy ra xô xát”, anh Khải lắc đầu nói.

Xe "điên" và những con số giật mình

Năm 2018, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra khiến nhiều người bất an, lo ngại. Trong số đó nhiều vụ là do phụ nữ lái xe.

Điển hình là vụ nữ tài xế lái xe BMW gây tai nạn liên hoàn ở khu vực Hàng Xanh (TP HCM) trong tháng 10/2018.

Hậu quả, 1 người phụ nữ đi xe máy bị kéo lê chục mét tử vong ngay tại chỗ, 5 chiếc xe máy vỡ nát, 2 chiếc ô tô bị nát phần đầu, hông và móp méo biến dạng. Vụ tai nạn đã làm ít nhất 5 người thương vong.

Vợ cầm vô lăng, tôi ngồi bên giật mình thon thót-2
Vụ tai nạn kinh hoàng ở Hàng Xanh (TP HCM). Ảnh: VietNamNet.

Tại cơ quan chức năng, tài xế gây tai nạn khai nhận lúc di chuyển chân từ chân ga sang chân phanh, quai của chiếc giày cao gót mà bà đang đi vướng vào chân ga.

Bà liên tục cố rút chân ra nhưng quýnh quáng nên đạp chân xuống chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước, không kiểm soát được. Do đó, xe của bà đâm vào một loạt xe máy, xe taxi đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông phía trước.

Trước đó, vào tháng 6/2018, chiếc Camry 4 chỗ do một phụ nữ điều khiển gây tai nạn khiến một bé 8 tuổi chết ngay tại chỗ, một bé 3 tuổi mất trên đường đến bệnh viện. Ngoài ra, 2 người lớn bị thương nặng.

Tiếp đến, tháng 11, chiếc xe Mercedes chạy trên làn đường nhỏ của cầu Chương Dương hướng vào nội thành thì tông gãy lan can, rơi xuống sông Hồng. Sau 5 giờ tìm kiếm và trục vớt công an phát hiện bên trong có 2 thi thể đều là phụ nữ.

Công an xác định người cầm lái chiếc Mercedes tông gãy lan can cầu Chương Dương (Hà Nội) rơi xuống sông Hồng là cô gái sinh năm 1997.

Thầy giáo dạy lái xe Phạm Tuấn Anh cho biết: "Phụ nữ hay nam giới đều có ưu nhược điểm riêng khi lái xe. Với phụ nữ, anh cho rằng tâm lý và vấn đề các chị em hay mắc phải nhất. Bên cạnh đó, khả năng tập trung của phái nữ kém hơn cánh mày râu. Nhiều phụ nữ không giữ được tâm lý ổn định khi lái xe. Họ thường run rẩy khi cầm vô lăng ở đoạn đường khó đi, đông đúc".

Vợ cầm vô lăng, tôi ngồi bên giật mình thon thót-3
Thầy dạy lái xe Tuấn Anh trong một buổi đào tạo.

"Một yếu tố quan trọng không kém là phụ nữ thường sử dụng giày cao gót, khi đó phụ nữ khó kiểm soát chân ga, chân phanh, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Vì loại giày này đế nhỏ diện tích tiếp xúc với bàn đạp ô tô không chắc chắn, dễ bị trơn trượt…", thầy dạy lái xe Phạm Tuấn Anh nói.

Theo Vietnamnet


nữ tài xế tai nạn giao thông

Tin tức mới nhất