Theo chị Nguyễn Thuý Vân (TP.HCM), bữa cơm gia đình đóng vai trò trong việc vun vén cảm xúc, giúp các thành viên gần gũi và gắn chặt tình cảm hơn. Nếu bữa tối là khoảng thời gian sum họp của cả nhà thì bữa trưa được ví như buổi hẹn hò riêng của hai vợ chồng.
Ông xã đi làm gần, lại thích cơm nhà nên cứ đến giờ nghỉ trưa lại tranh thủ tạt về nhà ăn cùng vợ. Chị Vân luôn khéo léo sắp xếp thời gian để nấu thật nhiều món ngon cho anh. Mấy hôm trước, chồng bỗng gợi ý cho vợ sắm bộ bát đĩa mới để tạo sự mới mẻ, lạ mắt. Vậy là "cuộc cách mạng" thay "áo mới" cho mâm cơm diễn ra!
Trên hình vẫn là các món ăn quen thuộc nhưng được chị Vân khéo léo bày biện trong bộ khay cơm phần 5 ngăn nhỏ gọn. Với tiêu chí ăn uống "đẹp rồi ngon", vẻ ngoài của các mâm cơm đầy màu sắc nhìn y hệt khay đựng mứt kẹo ngày xuân.
Mẹ đảm kể, trước đó hai vợ chồng ăn trưa khá đơn giản, chủ yếu có gì ăn nấy hoặc ăn trái cây theo cảm hứng. Nhưng khi sử dụng bộ khay 5 ngăn, chị khéo léo bổ sung thêm món mặn, rau xanh và trái cây sao cho "đủ vị" (hương vị, vị trí) và vừa miệng ăn.
Các món ăn còn được chủ nhân tỉ mỉ sắp xếp theo kiểu đối xứng. Món nào có màu sắc khác biệt sẽ đặt kế bên nhằm tạo hiệu ứng hấp dẫn cho mâm cơm.
Đối các bữa trưa, vợ đảm sẽ khéo léo tìm cách giải quyết đồ ăn dư từ tối hôm trước hoặc xử lý thực phẩm còn sẵn trong tủ lạnh. Tiếp đến cân đo xem món canh, mặn hay đồ tráng miệng mà thiếu sẽ bổ sung. Ngoài ra, chị cũng ghi nhớ từng món, tránh lặp lại liên tục gây nhàm chán.
Việc đi chợ hàng ngày do chị Vân đảm nhận. Các món ăn hầu hết đơn giản, không cầu kỳ nên được chế biến nhanh chóng.
Ông xã rất thích cách bày biện này vì trông tươm tất và gọn gàng. Dù kiệm lời khen ngợi nhưng mỗi khi ăn uống, anh đều gật gù tỏ vẻ hài lòng với tài nấu nướng của vợ. Từ ngày thay "áo mới" cho bộ bát đĩa, chị Vân chăm chỉ và hào hứng trổ tài bày biện hơn.
Dĩnh Anh (Ảnh NVCC)
Theo Vietnamnet