Nhạc sĩ Lê Quang xuất viện hôm 21/10 sau ca phẫu thuật xử lý tắc mạch máu ở đầu. Trước đó, anh phải cắt bàn chân phải do hoại tử và trải qua thời gian áp lực tâm lý khi đấu tranh giữa việc mất đi một phần thân thể với những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn. Thời gian ấy, Lê Quang được vợ - ca sĩ Cam Thơ - chăm sóc và tiếp động lực.

- Từ người lành lặn, chồng chị, nhạc sĩ Lê Quang, phải cắt đi một phần cơ thể. Anh ấy đối diện điều đó như thế nào?

Anh Quang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thời gian gần đây. Ban đầu, anh ấy được cảnh báo tắc nghẽn mạch máu và chỉ định mổ trước khi có thể bị những cơn tai biến. Khi bác sĩ đặt lịch phẫu thuật, họ phát hiện thêm ổ nhiễm trùng tại gót chân phải của anh. Chỗ này nguy hiểm hơn, cần xử lý ngay nếu không sẽ ăn sâu vào xương và máu.

Cách duy nhất để điều trị triệt để là cắt đi phần hoại tử, đồng nghĩa mất bàn chân phải. Anh Quang rất sốc. Anh ấy không tin một vết nứt ở gót chân lại có nguy cơ gây ra bệnh ung thư máu trong tương lai.

Chúng tôi cố gắng trấn an nhau. Bác sĩ nói cần thời gian để xét nghiệm thêm mới biết phương án nào khả thi. Lúc đó, anh Quang vẫn khẳng định vết nứt không nguy hiểm vì anh ấy không đau, nhức hay cảm thấy khó chịu. Nhưng tiếc thay, chứng tiểu đường lâu năm đã khiến vết thương nhiễm trùng nặng, hoại tử và tiềm ẩn khả năng biến chứng nguy hiểm. Sau thời gian chờ đợi, chúng tôi nhận kết quả anh Quang phải cưa bàn chân phải.

Anh Quang lưỡng lự vì lo sợ. Bác sĩ cho chúng tôi thêm lựa chọn khác là sử dụng kháng sinh liều cao rồi dưỡng thương tại nhà nhưng khả năng thành công ít hơn. Trong 10 ngày, nếu vết thương không khô miệng, sức khỏe anh Quang có thể chuyển biến xấu và phải cấp cứu trước khi quá muộn. Vậy nhưng khi đó anh Quang đã chọn dùng kháng sinh thay vì phẫu thuật.

Vợ Lê Quang khuyên chồng cắt chân để giữ mạng sống-1
Cam Thơ (áo kẻ) và con gái (áo hoa) được y tá hướng dẫn cách vệ sinh vết thương cho Lê Quang khi anh điều trị kháng sinh tại nhà.

- Lựa chọn này giống như đánh cược với sinh mạng, chị nghĩ sao trước quyết định của chồng?

Tôi căng thẳng vô cùng. Từ lúc đưa anh về, mỗi ngày tôi đều tìm cách khuyên nhủ anh chấp nhận cắt đi bàn chân để sống khỏe mạnh còn hơn đeo mầm bệnh trên cơ thể. Nhưng tôi nói rất ít. Tôi sợ nói nhiều anh khó chịu hoặc anh đang tĩnh tâm để đưa ra quyết định thì tôi không nên làm phiền.

Hàng ngày, tôi và con gái - bé Cat - chăm sóc vết thương cho anh. Vết thương không gom lại mà lớn dần, có mùi hôi tanh, khiến tôi thêm suy nghĩ tiêu cực.

Bình thường tôi hay đùa nhưng lúc có hai người, tôi thủ thỉ mong anh "bỏ quách đi" bàn chân đó để sớm khỏe trở lại. Con gái tôi cũng thuyết phục bố. Bé bảo: "Ba nghĩ cho kỹ. Một là ba cắt chỗ hư đó rồi mình làm chân giả. Ba đi lại, mặc quần và mang giày bình thường nhưng được ở với con lâu dài hơn. Hai là ba cố giữ và nó nhiễm trùng. Ba sẽ chết, không còn được ở với con thêm ngày nào nữa...".

Cat thường nói chuyện với bố qua điện thoại. Con bé giữ giọng bình thản nhưng thực ra đang khóc và cố che giấu cảm xúc. Chúng tôi sợ anh nhất định không chịu phẫu thuật. Lúc đó sẽ thật khó khăn.

- Rồi điều gì đưa anh Lê Quang vào phòng mổ để thực hiện cưa chân?

Khi sử dụng kháng sinh liều cao, anh hứa với tôi và con rằng nếu phương pháp này không thành công sẽ đồng ý phẫu thuật. Bác sĩ cho thời hạn 10 ngày nhưng chỉ đến ngày thứ hai, ba là vết thương đã có xu hướng chuyển nặng.

Anh nhìn thấy gót chân của mình hoại tử mỗi ngày khi tôi thay băng, ý thức được tình hình xấu đi nên chuẩn bị tâm lý. Ngày thứ bốn, tôi đưa anh cấp cứu tại một bệnh viện nổi tiếng ở quận Cam. Khi ấy, anh chủ động nói với bác sĩ: "Cắt lẹ lẹ đi cho tôi còn về".

- Theo chị, động lực nào đã khiến anh ấy chuyển từ lo sợ sang sẵn sàng đối mặt?

Lúc trước, anh nằm một mình trong bệnh viện mà chẳng ai được vào thăm vì quy định phòng tránh corona. Lựa chọn dùng kháng sinh cho anh cơ hội về nhà trong vài ngày, gặp vợ, con gái; nằm ở góc quen thuộc để đọc sách, tận hưởng không khí gia đình.

Tôi nghĩ, sự khuyên nhủ của vợ con cũng khiến anh suy nghĩ dù khi đó anh chỉ ậm ừ. Trong ba ngày, anh đã cân nhắc để biết điều gì đáng đánh đổi và từ đó đưa ra quyết định.

Vợ Lê Quang khuyên chồng cắt chân để giữ mạng sống-2
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Quang gắn bó hơn sau khi cùng vượt qua khó khăn.

- Chị làm gì trong suốt ba tiếng chồng nằm trên bàn mổ?

Tôi chờ y tá đẩy xe đưa anh vào buồng là chạy ngay tới tượng Đức Mẹ Hòa Bình để cầu nguyện. Tôi còn livestream trên Facebook mong mọi người dành một chút thời gian cầu nguyện cho chồng tôi. Bác sĩ nói sau ca mổ, anh Quang sẽ hôn mê ít nhất 8 tiếng vì tác dụng phụ của thuốc. Nhưng mới hơn ba tiếng, anh ấy đã gọi cho tôi.

Lúc bắt máy tôi thoáng nghĩ "Sao giờ này ông ấy còn chưa mổ" nhưng chồng tôi thông báo đã phẫu thuật thành công. Anh ấy cười hề hề, nói: "Anh đang thiu thiu thì họ đưa anh đi đâu đó. Lúc thức dậy nghe bác sĩ nói 'finish' (hoàn thành), nhìn xuống thấy cái chân mất tiêu rồi".

Tôi mừng ghê lắm vì mọi thứ đã suôn sẻ. Tôi hỏi anh bị cắt chừng nào, anh nói chỉ qua mắt cá chân. Vậy là tôi reo lên: "Hên quá anh ơi. Họ mà cưa tới gối hoặc sát bẹn là anh không gập chân được rồi".

- Chị luôn cập nhật tình hình sức khỏe của chồng cho khán giả và trong những video ấy, nhạc sĩ Lê Quang luôn nói mình ổn dường như để trấn an mọi người. Chị cảm nhận thế nào về nghị lực của chồng?

Anh Quang nói không mệt nhưng tôi biết chồng mình rất mệt. Sau khi cắt rời chân, anh ấy hồi sức trong một thời gian rồi tiếp tục xử lý mạch máu tắc nghẽn. Tôi hỏi: "Anh có mệt không?", anh ấy trả lời thều thào: "Anh khỏe, anh không thấy mệt".

Nhưng cái giọng yếu xìu và gương mặt buồn bã ấy không thể giấu tôi rằng anh đang cố chịu đựng. Ngày thường, nếu anh khỏe mạnh sẽ đùa giỡn, giọng nói sang sảng. Trong lúc đau ốm, anh vẫn muốn là chỗ dựa cho tôi, con gái và mọi người.

- Trải qua liên tiếp hai ca phẫu thuật, hiện tại sức khỏe nhạc sĩ Lê Quang thế nào?

Tôi đã hình dung ra thời gian sắp tới sẽ khó khăn lắm vì khi đón anh từ viện về cách đây hai tuần, trông anh mệt và tóc dài ra sau thời gian điều trị. Vậy nhưng chỉ ít hôm sau, anh ổn định, sắc mặt tốt và tinh thần cải thiện như một người khỏe mạnh.

Hai ca phẫu thật của anh đều thành công, hiện chỉ cần trị liệu tại nhà và tẩm bổ để nhanh hồi phục. Điều vui nhất là anh kịp xuất viện để cùng gia đình mừng sinh nhật Cat tròn 21 tuổi.

- Thiếu một bàn chân phải, sinh hoạt của anh ấy ra sao?

Không có gì bất tiện cả. Chỉ cần anh ấy đeo chân giả và tập đi thì có thể di chuyển, sinh hoạt như người bình thường. Nhiều vận động viên khuyết tật còn chạy marathon khi họ thiếu một, thậm chí hai chân.

Vợ Lê Quang khuyên chồng cắt chân để giữ mạng sống-3
 Ca sĩ Cam Thơ chăm sóc chân cho chồng sau khi hồi phục.

- Chị trải qua những cảm xúc gì khi đồng hành cùng chồng trong thời gian anh ấy trị bệnh?

Nhiều năm nay, anh Quang đi về giữa Mỹ và Việt Nam để lo công chuyện. Suốt thời gian ấy, chúng tôi ít có dịp gần gũi và những lúc chồng đau ốm, tôi không thể ở bên đỡ đần.

Lần này, anh ấy đổ bệnh ngay sau Tết khi mới sang Mỹ nên tôi chăm sóc chồng, cùng anh ấy vượt qua hai ca phẫu thuật quan trọng. Tôi thấy thương chồng, muốn dành cho anh ấy sự quan tâm và tình cảm nhiều hơn lúc anh ấy khỏe mạnh.

Lê Quang từng là tay guitar bass nổi tiếng của ban nhạc Da Vàng trước khi bước sang lĩnh vực sáng tác. Những ca khúc nổi tiếng của anh phải kể đến là: "Dòng máu Lạc Hồng" - "Đi về nơi xa" (Đan Trường), "Miền cát trắng" (Quang Vinh), "Chuyện thường tình thế thôi" (Hồng Ngọc), "Niềm tin chiến thắng" (Mỹ Tâm), "Đốt chút lá khô" (Tuấn Hưng), "Mùa hạ mãi xa" (Minh Thuận)... Lê Quang là nhạc sĩ góp công lớn trong sự nghiệp âm nhạc của Mỹ Tâm khi mang đến cho cô nhiều hit và đứng sau hỗ trợ cô thực hiện liveshow "Ngày ấy và bây giờ" cách đây 16 năm. Hiện Lê Quang sống ở bang California, Mỹ cùng vợ và con gái.

Theo Ngoisao.net