Nguyễn Võ Uyên Mi (1986) là nữ võ sư chuyển giới đầu tiên (và duy nhất trong thời điểm này) tại Việt Nam. Cô cũng là giáo viên tiếng Anh, nhà nghiên cứu phong thủy và thường xuất hiện ở những lớp dạy chuyên môn.

Cách đây ít ngày, lần đầu tiên cô cởi lòng nói về chuyện tình yêu và hành trình trở thành một phụ nữ chuyển giới sau hàng chục năm luyện võ Thiếu Lâm. Uyên Mi có bạn gái gắn bó lâu năm, từ lúc cô mang hình hài đàn ông vạm vỡ cho đến hiện tại, khi đã phẫu thuật chuyển giới.

Võ sư Thiếu Lâm Việt Nam xin được chuyển giới thành nữ-1
Nguyễn Võ Uyên Mi - nữ võ sư chuyển giới đầu tiên của Việt Nam.

Chuyện tình kỳ lạ với cô người yêu "đồng lõa"

"Khi nói chuyện với Mi về vấn đề tình yêu, người ta rối não luôn mà! (Cười lớn) Xu hướng tính dục là Mi yêu nữ chứ không yêu nam. Kể từ hồi xưa chưa chuyển giới cho tới bây giờ Mi vẫn không thích đàn ông.

Có nhiều người không hiểu, cứ nói nếu thích con gái thì làm đàn ông đi chứ làm con gái chi rồi lại yêu con gái, nhưng hai vấn đề đó khác nhau. Mi biết sâu thẳm bên trong, Mi là con gái, hay nói đúng hơn, Mi là người chuyển giới nữ đồng tính" - Mi cười tươi, nói về sự phức tạp của mình nhẹ tênh như thế.

Trước khi phẫu thuật chuyển giới, sống trong hình hài đàn ông. Mi có một cô bạn gái lâu năm. Đến giở, hai người vẫn yêu nhau, tổng thời gian gắn bó hơn 13 năm.

Uyên Mi vốn có nhiều tài lẻ như võ thuật, thổi sáo, đàn... Người yêu Mi là học trò của cô, vì cảm mến tài lẻ nên say mê "thầy". Họ yêu nhau, nhìn bề ngoài thì như một cặp đôi nam - nữ bình thường, nhưng trong thẳm sâu, Mi hiểu rằng tính nữ bên trong mình vẫy gọi.

Võ sư Thiếu Lâm Việt Nam xin được chuyển giới thành nữ-2

Năm 2009, khi cả hai đã yêu nhau đậm sâu, Mi thèm chuyển giới, thèm mặc đồ phụ nữ đến mức không thể nhịn được, cô dụ dỗ người yêu cho mình thử. "Ai ngờ đâu cô đồng lõa với mình"

Cô ấy đi xin áo dài, đi cùng Mi ra chợ Tân Định mua tóc giả luôn. Hai đứa hẹn nhau chủ nhật đó sẽ xuất hiện lộng lẫy, cùng đi chơi với hình hài phụ nữ.

Mà đâu có dám thay đồ ở nhà, hai đứa mang theo đồ nữ vô công viên, lủi vô toilet nữ. Hai đứa đứng trong đó xào qua xào lại cả tiếng chưa xong, rất lúng túng.

Bà lao công phát hiện ra, gõ cửa rầm rầm, còn đòi kêu bảo vệ bắt, tại tưởng hai đứa mình làm gì bậy bạ trong đó (cười lớn).

Rồi tụi mình đẩy cửa ra trong cái nhìn xỉa xói của chị lao công. Hai đứa ra ngoài trùm tóc giả, trang điểm một hồi, Mi mới hỏi bạn gái Mi: "Vậy đi chơi được chưa?".

Cô cười cười, vỗ vai nói: "Thôi chúng mình đi vòng vòng đây thôi, chưa ra đường được đâu!", nói vậy là Mi biết lúc đó mình xấu dữ lắm.

Sau này, đến năm 2015, khi Uyên Mi quyết định phẫu thuật chuyển giới, cô và bạn gái lâu năm có một cuộc tranh luận căng thẳng. Vì quá yêu Uyên Mi, muốn làm cô vui, bạn gái đành chấp nhận.

Như Mi nói, khi người ta yêu một ai đó quá nhiều, họ không quan trọng người kia là nam hay nữ nữa.

Võ sư Thiếu Lâm Việt Nam xin được chuyển giới thành nữ-3

Dù vậy, sau này cô ấy cũng có ý hờn trách, nói việc "tiếp tay" của mình cho Uyên Mi ăn mặc giả gái là giao trứng cho ác, ai ngờ trứng nở thành ác luôn. Mi cũng thừa nhận, cô có chút tiểu xảo khi nói với bạn gái rằng việc mặc đồ nữ... không tính là chuyển giới, mà chỉ mặc vậy cho vui.

Chừng 2 - 3 năm thì cô sẽ lại làm con trai chứ không độn ngực, giả gái nữa. Mi không cần giả gái nữa thật, vì cô dao kéo để... trở thành con gái luôn.

Người yêu lâu năm của Mi, thẳng thắn mà nói, muốn yêu Mi trong hình hài vạm vỡ, đàn ông như trước kia. Nhưng vì quá yêu, cô vẫn chấp nhận hình dáng mới của Uyên Mi.

Nữ võ sư cũng tiết lộ, cô chỉ phẫu thuật 50%. Đó là cách để cô vừa thỏa mãn mình, được có vẻ ngoài giống phụ nữ; vừa duy trì được tình yêu ngọt ngào với bạn gái lâu năm.

Có sự nghiệp thăng hoa, giới tính là chuyện nhỏ

Điều khiến Uyên Mi trăn trở hơn cả trong hành trình tìm về thiên tính nữ của mình, đó là có sự nghiệp và được gia đình ủng hộ. Nỗi khát thèm được mặc đồ nữ được Mi kìm nén suốt những năm cấp 3, đến 2009 thì bung.

Cô lập chiến lược "tấn công" mẹ, thuyết phục dần mỗi ngày chút chút để thay đổi cách ăn mặc. Mi không thổ lộ ngay rằng mình muốn được làm nữ, mà chỉ nói "trong con có một bản tính là nữ", điều chỉnh dần cách ăn mặc.

Khi có hai mẹ con, Mi lấy đồ nữ ra mặc, mẹ nhìn nhưng cũng không la rầy gì, chỉ dặn mặc chơi chút thôi, lát cha về phải cởi ngay. Ở nhà, không ai nghi ngờ giới tính của Mi, vì cô không cố tỏ ẻo lả hay điệu đà quá mức.

Võ sư Thiếu Lâm Việt Nam xin được chuyển giới thành nữ-4

Nhưng Mi hiểu, muốn được chấp nhận, cô phải khiến gia đình tự hảo. Gia đình Mi có truyền thống làm trong ngành giáo dục, Mi cũng không muốn mình thất nghiệp, lông bông.

Cô học Đại học, luyện võ Thiếu Lâm, trở thành giáo viên tiếng Anh rồi giáo viên dạy phong thủy, mà ở lĩnh vực nào cũng có thành tựu.

25 tuổi, Mi đã là giám đốc học vụ của một trung tâm ngoại ngữ. Rồi khi là giảng viên của học viện quốc tế về phong thủy, Mi để tóc dài, duỗi, nhuộm kiểu nữ, để hình nền điện thoại, máy tính là ảnh mình khi mặc đồ nữ.

Học viên nhìn thấy và đã "mách" giám đốc trường, yêu cầu trường để cho "thầy" nghỉ, thay vào đó, họ muốn học cô Mi. Mi vẫn nhớ như in, chiều đó, giám đốc trung tâm gọi điện, hẹn Mi chiều mai đi dạy.

Mi hơi bối rối, vì cô vẫn dạy lớp này thời gian qua. Nhưng giám đốc nói rành rọt: "Học viên yêu cầu cô Mi dạy chứ không phải em dạy" khiến cô bật khóc. Trước đó, cô chưa bao giờ xuất hiện với thân phận nữ khi dạy học.

Võ sư Thiếu Lâm Việt Nam xin được chuyển giới thành nữ-5

Chính buổi dạy ấy đã thôi thúc Mi, năm 2015, quyết đi chuyển giới. Mẹ Mi cảnh báo, chuyển giới có thể khiến Mi mất sự nghiệp.

Mi khóc, chỉ nói với mẹ một câu: "Con hứa với mẹ, con không bao giờ là một người bóng già đi lang thang ngoài đường không nghề không ngỗng đâu, mẹ yên tâm". Mi cũng không muốn bị gọi là "thằng giả gái" nữa mà muốn trở thành con gái thật.

Giờ thì, vì sự liều lĩnh và lời hứa 6 năm trước, Mi đang có trong tay rất nhiều thứ. Cô có sự nghiệp thăng hoa, có công việc kiếm ra tiền, có người yêu, có (phần nào) sự ủng hộ của gia đình.

Quan trọng hơn tất thảy, cô có cảm giác hài lòng với thân hình phụ nữ của mình. Cứ thế, Mi hạnh phúc và nếm trải từng ngày trôi qua trong niềm hân hoan.

Theo Pháp luật và Bạn đọc