Trên tàu Titan có 2 hành khách là cha con tỷ phú Shahzada Dawood, một trong những người giàu nhất Pakistan, và con trai là Suleman, 19 tuổi.
Vợ của ông Shahzada là bà Christine Dawood đã lên tàu mẹ để tiễn chồng và con trai đi thám hiểm xác tàu Titanic. Đi cùng với bà Christine lên tàu mẹ Polar Prince là con gái của ông bà - Alina, 17 tuổi.
Khi bà Christine vẫy tay tạm biệt để ông Shahzada và Suleman lên tàu lặn Titan vào đúng Ngày của Cha, bà không ngờ rằng đó là chuyến đi cuối cùng của chồng con bà.
Sau những ngày cố gắng chấp nhận sự thật, bà Christine mới đồng ý trả lời phỏng vấn của tờ New York Times (Thời báo New York).
Ông bà Dawood. Ảnh: Christine Dawood.
Bà Christine nhớ lại, hồi tháng Hai, ông Stockton Rush, CEO của công ty OceanGate và cũng là một người đi trên tàu Titan, đã bay tới tận London (Anh) để gặp vợ chồng bà, thuyết phục rằng chuyến đi với giá vé 250.000 đôla/ người (khoảng 6 tỷ đồng) sẽ không có vấn đề gì cả.
“Ông ấy (Rush) nói về thiết kế của con tàu, nhưng chuyện kỹ thuật đó thì chúng tôi không hiểu. Cũng như khi bạn ngồi trên máy bay, bạn đâu biết động cơ máy bay hoạt động ra sao”.
Tàu Titan lúc được kéo ra đại dương để chuẩn bị lặn. Ảnh: Anadolu Agency via Getty.
Nhưng ông Shahzada, người thừa kế một trong những đế chế kinh doanh thành công nhất Pakistan, thì đã bị thuyết phục vì ông rất mê những chuyện liên quan đến tàu Titanic.
Thế là 12 tuần sau cuộc gặp với ông Rush, ông Shahzada cùng vợ và 2 con bay đến St. John’s (Newfoundland, Canada) để ông và con trai lên tàu Titan, nhưng theo bà Christine thì họ đã suýt không thể đi được.
Bà Christine kể, họ đã bay đến Toronto (Canada) vào ngày 14/6 nhưng chuyến bay từ Toronto tới St. John’s bị hủy. Họ đành ở lại Toronto một ngày để chờ bay chuyến hôm sau.
Nhưng chuyến bay ngày hôm sau lại bị hủy tiếp. Ông Shahzada rất sốt ruột vì sợ rằng sẽ không đến nơi kịp thời gian để lên tàu Titan cùng cả đoàn.
Thế rồi chuyến bay thứ ba thì không bị hủy nữa.
Ông Shahzada Dawood và con trai Suleman đã kịp lên tàu Titan. Ảnh: Mail Online.
Giờ đây, bà Christine nói, việc có đến 2 chuyến bay liên tiếp bị hủy cứ như một “điềm báo” ngăn cản ông Shahzada và con trai tham gia chuyến đi. Nhưng vào thời điểm đó, gia đình bà đã không cảm nhận được.
Bà kết luận: “Nhìn ngược lại, giá như những chuyến bay sau đó cũng bị hủy luôn”.
Cuối cùng thì tàu Titan đã bắt đầu lặn đúng giờ - vào 8h sáng ngày 18/6, rồi mất liên lạc lúc 9h45’. Còn sau đó thì chuyến đi đã trở thành một tai nạn hàng hải nghiêm trọng mà cả thế giới đều đã biết.
Theo Tiền Phong