Đã nộp 120 tỷ đồng và 1,5 triệu USD

Dự kiến chiều 28/7, HĐXX TP Hà Nội sẽ tuyên án 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Trước đó, trong 13 ngày xét hỏi và luận tội, HĐXX cơ bản làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo.

Đối với nhóm “nhận hối lộ”, Viện kiểm sát đánh giá họ đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân.

Theo đó, nhóm này nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí "bôi trơn" để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, do đó cần phải có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cũng cho rằng cần xem xét thời điểm dịch bệnh đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước nhanh và phức tạp mà không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục.

“Đây cũng là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ”, Viện kiểm sát nêu và đề nghị HĐXX căn cứ vào tinh thần tích cực khắc phục hậu quả của một số bị cáo để cân nhắc khi lượng hình.

Trong quá trình điều tra đến khi bị đưa ra xét xử, bị cáo trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' và gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 120 tỷ đồng và 1,85 triệu USD.

Riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại gần 90 tỷ đồng. Theo đó, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) với 253 lần, nhận tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng. Tại tòa, luật sư bào chữa cho ông Kiên cho biết, vợ bị cáo đang đi nộp thêm số tiền khắc phục 8 tỷ đồng. Kiên bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình.

Bị cáo Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an), bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Khi vụ án bị khởi tố, ông Tuấn đã trả lại cho một số doanh nghiệp khoảng 3,1 tỷ đồng. Đến nay ông Tuấn cùng gia đình nộp cho cơ quan điều tra 20 tỷ đồng.

Còn cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nộp khắc phục 16 tỷ trong tổng số 21,5 tỷ đồng đã nhận từ các doanh nghiệp.

Một số bị cáo khác như: Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) nộp hơn 4,4 tỷ đồng; Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nộp hơn 3,1 tỷ đồng; Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nộp hơn 2 tỷ đồng.

Những người nhận hối lộ nhiều, song nộp ít nhất có Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), bị cáo buộc nhận 25 tỷ đồng nhưng mới nộp khắc phục hơn 1 tỷ đồng; Đỗ Hoàng Tùng (cựu Cục phó Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) mới nộp lại hơn 200 triệu đồng trong tổng số hơn 12,2 tỷ đồng đã nhận.

Đối với nhóm bị cáo “nhận hối lộ” chưa nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả, viện kiểm sát cho rằng cần tiếp tục truy thu, tiếp tục phong tỏa tài sản đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Cụ thể, viện kiểm sát đề nghị tiếp tục truy hơn 24 tỷ đồng nhận hối lộ của Nguyễn Thị Hương Lan. Tiếp tục kê biên 2 căn hộ chung cư cao cấp, một chiếc ô tô Lexus đứng tên bà Lan.

Cạnh đó, Viện kiểm sát cũng phong tỏa gần 20 tỷ và 366.000 USD trong các sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng của Đỗ Hoàng Tùng. Hai căn chung cư của gia đình cựu ông Tùng bị đề nghị dừng mua bán chuyển nhượng.

Ở nhóm “môi giới hối lộ”, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đã nộp khắc phục hậu quả 1,85 triệu USD. Ông này bị buộc môi giới hối lộ hơn 2,6 triệu USD (tương đương 61 tỷ đồng).

Khi khám xét nhà cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, cơ quan điều tra tạm giữ 210.000 USD và 146 lượng vàng. Sau khi đã khắc phục hậu quả, ông này đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng và hủy lệnh phong tỏa tài khoản có 1 tỷ đồng trong ngân hàng cho gia đình bị cáo.

Riêng Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) bị cáo buộc lừa đảo, chạy án, chiếm đoạt số tiền 800 nghìn USD (tương đương 18,8 tỷ đồng). Đến nay, Hưng chưa khắc phục đồng nào, quá trình xét xử ông Hưng không nhận tội, kêu oan.

Nhóm bị cáo tội “đưa hối lộ” là chủ các doanh nghiệp, HĐXX ghi nhận họ đã nộp tiền khắc phục hậu quả từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn..." đã nộp khắc phục hậu quả 5 tỷ đồng.

Vụ án chuyến bay giải cứu: Các bị cáo đã nộp khắc phục bao nhiêu tiền?-1
Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Hàng trăm tỷ đồng đưa nhận hối lộ trong vụ án

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2020 trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài hồi hương trong Covid-19, gọi là chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Song quá trình thực hiện, nhóm cán bộ của Cục Lãnh sự, Tổ công tác 5 Bộ và các địa phương đã ‘vòi tiền’ doanh nghiệp.

Các trạng xác định, để chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với dân hồi hương giữa đại dịch.

Theo Viện, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng. Các bị cáo đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".

Thống kê của Viện kiểm sát cho thấy, 25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ, hưởng lợi bất chính gần 175 tỷ đồng; 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

Theo Tiền Phong