"Vụ bikini hoàn hàng" trở thành từ khóa phổ biến nhất MXH Facebook tối 17/5. Câu chuyện xuất phát từ bài đăng chủ shop thời trang K.H với nội dung "bóc phốt" khách hàng. Cụ thể, vị khách này thông qua sàn TMĐT đã đặt mua một bộ bikini với giá hơn 200.000đ.
Sau 1 tuần "không ưng", khách đã hoàn trả lại hàng về shop. Nhưng đáng nói, bộ bikini đã được nữ khách hàng này mặc (có ảnh "sống ảo" đăng trên trang cá nhân).
Khi hàng được hoàn trả, có thể thấy rõ hàng đã bị qua sử dụng và thậm chí còn nguyên vệt ố vàng nhạy cảm.
Bài đăng bức xúc của chủ shop K.H dành cho hành động kém duyên của khách hàng
Dĩ nhiên, khi thấy câu chuyện này, không một ai có thể bênh vực được cô gái mua hàng với cách hành xử kém văn minh nói trên. Trên MXH, xuất hiện đến hàng nghìn bình luận vừa cười chê, vừa chỉ trích nữ chính.
Có lẽ, trước áp lực của cộng đồng mạng, cô gái và cả chồng của cô nhanh chóng liên hệ với chủ shop xin lỗi và xin có phương án giải quyết.
Về phía sàn TMĐT cũng trực tiếp gọi điện giải quyết đơn hàng hoàn. Do vậy, đến thời điểm này, chủ shop K.H đã khóa bài "bóc phốt" và thông báo trên Facebook cá nhân nội dung như sau:
Bài đăng của chủ shop K.H nhằm khép lại drama
Nữ chính và chồng của cô đã liên hệ với chủ shop, nhận lỗi và giải quyết vấn đề để mọi chuyện được kết thúc êm đẹp
Mặc dù câu chuyện đã dần lắng xuống, xong từ đây lại thổi bùng lên một chủ đề khác khiến tất cả các tiểu thương đang kinh doanh trên sàn TMĐT kia cảm thấy bức xúc. Đó là chính sách "hoàn hàng trong 15 ngày".
Nhiều người khẳng định, câu chuyện drama nói trên là một trong số những "lỗ hổng" của chính sách này. Và chịu thiệt thòi không ai khác chính là người bán hàng.
Trước đây, sàn TMĐT này cho phép người mua trả hàng trong vòng 3-7 ngày với điều kiện người mua phải cung cấp được các lý do hợp lý như: Hàng lỗi, hàng giả, hàng nhái, hàng khác mô tả, hàng đã qua sử dụng, hàng hết hạn sử dụng...
Tuy nhiên, cập nhật mới nhất của sàn được cho là quá ưu ái người mua khi không chỉ kéo dài thời gian hoàn hàng lên tới nửa tháng mà còn cho phép hoàn trả vì lý do: Không còn nhu cầu mua hàng.
Số đông cho rằng, đây là chính sách mà sàn TMĐT bảo vệ người mua nhưng lại vô tình "bỏ rơi" người bán hàng.
Theo Người Đưa Tin