Trong tập phát sóng Vua Tiếng Việt hôm 15/3, chị Phan Quỳnh Vân (33 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu, phiên dịch viên) vượt qua ba người chơi tiến vào vòng cuối Soán ngôi. Ở mùa ba chưa có ai chiến thắng được vòng thi này nên MC Xuân Bắc mong tìm được chủ nhân.

Người chơi Phan Quỳnh Vân có 60 giây thực hiện thử thách giải nghĩa trò chơi ô chữ để tìm từ hàng dọc có nghĩa. Phía Vua tiếng Việt đưa ra bảy chữ cái có sẵn và bốn câu hỏi tương ứng với bốn cột ô chữ. Chị Quỳnh Vân không mất quá nhiều thời gian trả lời.

Ở ô số hai, gợi ý gồm hai chữ “H”, “Ả”, từ cần tìm mang nghĩa sự vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý. Người chơi đưa ra đáp án “Hỉ hả”. Tuy nhiên câu trả lời đúng chương trình đưa ra là “Hể hả”.

Dù đúng hết ba câu còn lại và từ khóa, người chơi không giành chiến thắng về ra về với phần thưởng 5 triệu đồng.

Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi-1Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi-2Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi-3
Vòng Soán ngôi, người chơi Phan Quỳnh Vân thua cuộc khi trả lời hàng ngang thứ hai là "hỉ hả", đáp án đúng của chương trình đưa ra là "hể hả". Khán giả cho rằng hai từ này đồng nghĩa.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng đáp án “hỉ hả” của người chơi là chính xác, là từ đồng nghĩa của “hể hả”. Có ý kiến nói “hỉ hả” là từ chuẩn, trong khi “hể hả” là biến thể và cách nói địa phương.

Khán giả không thấy sự xuất hiện của ban cố vấn ở câu này và cho rằng người chơi Phan Quỳnh Vân xứng đáng chiến thắng.

Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, in lần thứ chín, nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2003 đều có hai từ “hỉ hả”, “hể hả”.

Trang 433 trong từ điển định nghĩa “hể hả”: Vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý. Ví dụ: Nói cười hể hả. Xong việc mọi người hể hả ra về. Trang 435, từ “hỉ hả” mang nghĩa như “hể hả”.

Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi-4Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi-5
Định nghĩa hai từ "hỉ hả" và "hể hả" trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng, 2003), lần lượt ở trang 433 và 435.

Chương trình Vua Tiếng Việt nhiều lần có sự sai sót trong hai mùa đầu. Một số chuyên gia ngôn ngữ chỉ ra chương trình của VTV nhầm lẫn khi đưa thông tin tới người chơi.

Trong một tập, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công nhận định Vua tiếng Việt ra đề sai khi khẳng định từ "lang lổ" không có nghĩa, chỉ là cách viết sai chính tả của "loang lổ".

Thỉnh thoảng có đáp án viết sai chính tả như "Xoay xở" viết sai "xoay sở". Tập 28 mùa 2, chương trình chấp nhận câu trả lời sai chính tả “chậm chễ” khi yêu cầu người chơi chọn một trong hai đáp án "trậm trễ" hay "chậm chễ".

Các chuyên gia phân tích trong tiếng Việt chỉ có từ "chậm trễ", không có từ nào viết như chương trình đưa ra.

Một tập khác, hai từ "dúm dó" hay "rúm ró" được đưa ra cho người chơi. Đáp án đúng của Vua tiếng Việt là "rúm ró". Nhưng "dúm dó" cũng không sai chính tả.

Theo Tiền Phong