Theo Smithsonian Magazine, loạt chuột chù và chim ưng vừa được khai quật khu chôn cất Falcon Necropolis ở Quesna (Ai Cập) đã được ướp xác vì lý do tôn giáo.

Một cách tình cờ, chúng lưu giữ những thông tin quan trọng cho thấy Ai Cập cổ đại rất khác những gì chúng ta tưởng tượng.

Xác ướp không phải người để lộ manh mối về Ai Cập xanh-1
Một trong các xác ướp chuột chù vừa được khai quật - Ảnh: Neal Woodman/Smithsonian

Theo tiến sĩ Neal Woodman, nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ và Bảo tàng Quốc gia Smithsonian, người đang hợp tác với Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập trong nghiên cứu về các xác ướp không phải con người ở Quesna, những con chuột chù được bảo tồn cực tốt cho thấy chúng không phải động vật sa mạc, mà là loài ưa khí hậu ẩm ướt hơn nhiều so với chuột chù Ai Cập ngày nay.

Nghiên cứu công bố trên PLOS One này khẳng định đây là bằng chứng cho thấy Ai Cập cổ đại từng là một "Ai Cập xanh", ẩm ướt và dễ sống hơi Ai Cập với phần lớn đất đai là sa mạc ngày nay.

Xác ướp không phải người để lộ manh mối về Ai Cập xanh-2
Khu vực khai quật tại Quesna, nơi tìm thấy các xác ướp kỳ lạ - Ảnh: Neal Woodman/Smithsonian

Đồng tác giả, tiến sĩ Salima Ikram từ Đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập) cho biết những con chuột chù này đúng là sinh vật bản địa, bởi con cháu của chúng vẫn còn tồn tại ở Ai Cập cho đến ngày nay, tuy đã tiến hóa để có thể thích nghi với môi trường khô cằn hơn rất nhiều.

Xác ướp chuột chù là một phát hiện quý giá ở Ai Cập bởi số lượng của chúng rất ít. Chuột chù Ai Cập được cho là rất khó nuôi vì khó sinh sản. Có vẻ người cổ đại đã bẫy chúng rồi đem biến thành xác ướp, sử dụng như một món đồ tế lễ.

Các xác ướp chuột chù đã có niên đại khoảng 2.000 năm, cho thấy giai đoạn "Ai Cập" xanh tồn tại cũng vào khoảng thời gian đó.

Theo Người lao động