Theo đó, xác ướp được chôn trong chiếc quan tài gỗ nhỏ với hộp sọ biến dạng, cơ thể đứa trẻ vừa béo phì vừa suy dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc hiếm có về lịch sử xã hội quý tộc Áo.

Bằng cách sử dụng phương pháp quét CT, các nhà khoa học đã có thể thực hiện “khám nghiệm tử thi ảo” đối với xác ướp được ướp tự nhiên trong điều kiện của hầm mộ.

Mô mềm được bảo quản tốt cho thấy đứa trẻ là một cậu bé, thừa cân so với tuổi và việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy ngày chết trong khoảng từ năm 1550 đến 1635 sau Công nguyên.

Xác ướp trẻ sơ sinh béo phì nhưng suy dinh dưỡng giới quý tộc Áo-1
Xác ướp trẻ sơ sinh béo phì nhưng suy dinh dưỡng làm sáng tỏ cuộc sống ở quý tộc Áo thế kỷ 17.

Bằng cách kiểm tra sự hình thành và chiều dài xương của cơ thể, cộng với bằng chứng về việc mọc răng, các nhà nghiên cứu có thể ước tính rằng đứa trẻ khoảng một tuổi khi qua đời.

Xương cũng cho thấy rằng mặc dù được ăn uống đầy đủ nhưng cậu bé bị suy dinh dưỡng, với xương sườn dị dạng có dấu hiệu của chuỗi tràng hạt.

Tình trạng này biểu hiện dưới dạng các núm xương nổi rõ tại các điểm mà xương sườn nối với sụn và là kết quả của các bệnh liên quan đến sự thiếu hụt vitamin cụ thể như bệnh còi xương do thiêu vitamin D và vitamin C.

Vitamin D được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá thu, gan bò và lòng đỏ trứng, nhưng thường chỉ nhận được khoảng 10% lượng Vitamin D cần thiết từ chế độ ăn uống - phần còn lại do cơ thể tạo ra khi tiếp xúc với mặt trời.

Tiến sĩ Andreas Nerlich của Phòng khám Học thuật Munich-Bogenhausen và là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Sự kết hợp giữa béo phì với tình trạng thiếu vitamin trầm trọng chỉ có thể được giải thích bằng tình trạng dinh dưỡng tuy đầy đủ nhưng lại hoàn toàn không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời”.

Dựa trên bằng chứng và dấu hiệu, đứa trẻ dường như đã chết vì viêm phổi. Bệnh còi xương có thể là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm phổi hơn. Nerlich nói thêm: “Chúng ta phải xem xét lại điều kiện sống của những đứa trẻ quý tộc trước đây”.

Các nhà khoa học có tương đối ít thông tin về thời thơ ấu của giới quý tộc vào cuối thời kỳ Phục hưng, vì vậy những xác ướp này cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về cuộc sống ở châu Âu trong thời kỳ thường được biết đến với sự sáng tạo và phát triển trí tuệ mạnh mẽ.

“Đây chỉ là một trường hợp trẻ sơ sinh chết sớm. Có thể tỷ lệ này là rất cao vào thời điểm đó”, Nerlich nhấn mạnh.

Để hiểu thêm về thời kỳ này, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các ghi chép lịch sử về hầm mộ và gia đình có hầm mộ. Thật kỳ lạ, đứa trẻ được chôn cất trong một chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản, không đánh dấu, mặc dù được mặc một chiếc áo khoác lụa đắt tiền có mũ trùm đầu.

Chiếc quan tài không được đánh dấu dường như hơi quá nhỏ so với thi thể khiến hộp sọ bị biến dạng. Đây cũng là đứa trẻ sơ sinh duy nhất được chôn cất giữa những chiếc quan tài kim loại dành cho người lớn trong hầm mộ.

Các ghi chép lịch sử về việc cải tạo hầm mộ đã xác nhận niên đại bằng carbon phóng xạ, cho thấy đứa trẻ có khả năng được chôn cất vào khoảng năm 1600 sau Công nguyên.

Hầm mộ thuộc về Bá tước Starhemberg và theo truyền thống được giữ riêng để chôn cất những người thừa kế tước hiệu của họ và vợ của họ, khiến thi thể có khả năng là của con trai đầu lòng (và duy nhất), Reichard Wilhelm, của Bá tước Starhemberg .

“Chúng tôi không có dữ liệu về số phận của những đứa trẻ sơ sinh khác trong gia đình. Theo dữ liệu của chúng tôi, đứa trẻ sơ sinh rất có thể là con trai đầu lòng của bá tước sau khi xây dựng hầm mộ của gia đình, vì vậy có thể đã áp dụng biện pháp chăm sóc đặc biệt.

Những quan sát của chúng tôi có thể có tác động đáng kể trong việc hình thành cái nhìn rõ nét hơn về cuộc đời của trẻ sơ sinh ngay cả trong các tầng lớp xã hội cao hơn, cũng như cuộc sống của con người thời điểm đó”, Nerlich giải thích.

Theo Infonet