Xót xa những bệnh nhân bị người nhà bỏ rơi ngay trên giường bệnh: "Cứ để đấy khi nào chết thì mang về!"

Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) mới tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân “vô danh” không một người thăm nom và chăm sóc.



Khi chúng tôi đến bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội là vào buổi chiều, lúc này người nhà bệnh nhân thấp thỏm trông ngóng, họ chỉ còn chờ đến lúc cánh cửa phòng bệnh được các nhân viên bảo vệ mở ra cho phép những người thân đến thăm nom, chăm sóc...

Trong số các bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh, ngoài những người được người thân năng niu từng cánh tay, đôi chân, lo cho từng bát cháo, suất ăn hoặc tâm sự với bệnh nhân để vơi đi nỗi đau bệnh tật hay buồn tủi của tuổi già, thì đâu đó vẫn còn những bệnh nhân đang nằm “án binh bất động”, sống lay lắt trên giường không được chăm sóc. Cảnh tượng ấy hiện hữu và nghịch cảnh ngay trước mắt, khiến cho bất cứ ai cũng phải chạnh lòng, xót xa.

Ths. BS Nguyễn Thế Anh - Trưởng khoa Đột quỵ, dẫn chúng tôi đến giường bệnh nhân Cao Bá Tốn (64 tuổi, ở phường Đê Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Với ánh mắt đầy suy tư, bác sỹ Thế Anh giới thiệu cho chúng tôi biết, bệnh nhân hiện không có người thân thích chăm sóc, không có người thăm nom và cũng không có tiền đóng viện phí.

bệnh nhân vô danh
Bệnh nhân Tốn nằm cô quạnh trên giường bệnh không mộ người thân thăm nom

Bà Vân, một người nhà của bệnh nhân giường bên cạnh kể lại: “Nhiều ngày nay chúng tôi chứng kiến ông Tốn nằm bất động trên giường, chẳng có một người thân nào vào chăm sóc, đến giờ thuốc thang thì có bác sĩ. Phần ăn uống cũng vậy, thi thoảng có nhân viên y tế đưa suất ăn hoặc chúng tôi ở đây có chút nào thì chia sẻ cho ông ấy…”, bà Vân xót xa.

Kể về bệnh nhân, bác sỹ Thế Anh cho hay: “Ngày 29/10, ông Tốn được xe cấp cứu 115 chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Sau đó chuyển lên khoa của chúng tôi để được chăm sóc. Theo như tìm hiểu thì sau 5 ngày không thấy bệnh nhân đi ra khỏi nhà, người cháu của ông đã gọi Trung tâm cấp cứu 115 đưa ông vào bệnh viện. Tuy nhiên, người cháu này cũng bỏ mặc bệnh nhân và lấy lý do bản thân anh ta cũng đang điều trị bệnh ở bệnh viện Phổi.

Sau đó chúng tôi liên hệ thì không có tiền đóng viện phí và hiện tại gia đình họ cũng không đoái hoài gì tới ông nữa. Điều mà chúng tôi cũng như bao nhiêu người cảm thấy buồn lòng, đó là bệnh  nhân quá cô đơn, thiếu thốn tình cảm”, vị trưởng khoa nói.

Theo bác sĩ Thế Anh, tuy nhiệm vụ của các bác sĩ là làm về chuyên môn, nhưng bệnh viện giờ đây không chỉ gánh thêm nỗi lo về cả kinh tế đối với ca bệnh nhân “vô danh” mà còn phân công nhân sự chăm sóc cho bệnh nhân mỗi khi đến bữa ăn hoặc cả việc vệ sinh cho người bệnh đối với những ca bệnh không người thân thích như trường hợp nói trên.

"Khi nào chết thì mang về"

Cũng tương như trường hợp của bệnh nhân kể trên, lãnh đạo bệnh viện đã đưa chúng tôi đi thăm giường bệnh nơi ông Nguyễn Văn Suốt (SN 1949, địa chỉ ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang nằm đắp chăn với đôi chân co quắp. Ông Suốt nằm bất động mà không nói được lời nào rõ nghĩa mỗi khi có người hỏi.

bệnh nhân vô danh
Bệnh nhân suốt được người em gái mang đến bệnh viện nhưng rồi cũng bỏ mặc

Chia sẻ về trường hợp người bệnh này, chị Nguyễn Thị Nhàn – điều dưỡng trưởng Khoa Thần kinh cho hay, lúc 13h ngày 1/11, xe cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến. Sau đó chỉ có một người phụ nữ tự nhận là em gái bệnh nhân kê khai thông tin vào bệnh án. Người phụ nữ này trình bày hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không có khả năng nuôi dưỡng cũng như chi trả viện phí. Cũng theo người phụ nữ, bệnh nhân đã được Trung tâm bảo trợ Ba Vì nuôi dưỡng bằng tiền trợ cấp của phường là 500 nghìn đồng/tháng.

“Ngoài việc chuyên môn, chúng tôi đang phải làm công việc vệ sinh, nâng bệnh nhân lên rồi hạ xuống… đúng như một người con thực sự của ông. Đến giờ này chúng tôi cũng không thể liên hệ được với người em gái của bệnh nhân bởi vì người này đã rời khỏi bệnh viện với lời nhắn khi nào anh trai mình chết thì sẽ mang xác về mai táng”, chị Nhàn buồn rầu.

Là người chăm sóc cho một bệnh nhân như bao người khác, chị Mai Hiên bày tỏ nỗi niềm: “Ai cũng có cha mẹ, rồi chính mình cũng sẽ đến lúc phải cậy nhờ, liệu con cái, anh em của những người này có nghĩ vậy không. Trong khi nhiều người đang mong muốn được ở bên cạnh cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ để trả ơn sinh thành. Ngoài ra còn làm gương cho con cháu sau này, thì vẫn tồn tại một số người dửng dưng với những bậc sinh thành một cách tội nghiệp như vậy”, chị Hiên phẫn nộ.

Theo Trí Thức Trẻ


bệnh nhân bệnh viện

Tin tức mới nhất