Sở Y tế TP.HCM cho biết tất cả bệnh viện trong thành phố hiện thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa điều trị người mắc Covid-19 có các bệnh lý cấp và mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo.

Trong đó, các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19 gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP; cùng các bệnh viện trung ương trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175.

Hiện Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường tạm ngưng nhận bệnh nhân, mà phân công cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết.

Ngoài ra, các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng được yêu cầu phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Xuất hiện ca mắc BA.5, TP.HCM sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến-1

Thông tin từ Sở Y tế ngày 7/7 cho biết Viện Pasteur TP.HCM công bố phát hiện 2 mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức; một mẫu dương tính với biến thể BA.5 tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. 3 mẫu dương tính này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế TP cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới, dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ. Trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày.

Sở cho biết ngành y tế thành phố đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới.

Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục tập trung vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng, đồng thời tăng cường việc tiêm vaccine.

"Hiệu quả của vaccine sẽ suy giảm theo thời gian ở những người lớn tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Dựa trên phân tích dữ liệu, liều tăng cường (mũi 3) rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ tất cả người lớn bị nhiễm Covid-19 khỏi hậu quả nghiêm trọng, liều tăng cường thứ 2 (mũi 4) có thể giúp tăng cường kháng thể và mũi thứ 5 cũng thế”, ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cho biết.

Ngành y tế sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.

Theo Zing