Xúc động lời cảm ơn người mẹ là công nhân vệ sinh của tân cử nhân

“Mẹ tôi luôn nói với tôi rằng, nếu ai đó cho tôi một bát cơm, tôi nên trả lại một bao gạo”, lời chia sẻ của nam sinh nghèo trong khóa luận tốt nghiệp 25.000 thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc.

Năm 2022, Tô Chính Dân, một thanh niên thuộc dân tộc Ô Lô (Trung Quốc), đã gây sốt cộng đồng mạng quốc gia tỷ dân với lời cảm ơn “siêu dài” 6.000 chữ trong khóa luận tốt nghiệp 25.000 chữ của mình. 

Mẹ dạy: Làm người cũng như quét nhà, phải sạch sẽ và tận tâm

Từ một cậu bé chăn cừu bỏ học trở thành nam sinh tốt nghiệp xuất sắc đại diện trường phát biểu, ít ai biết con đường học vấn của Tô Chính Dân gặp muôn vàn gập ghềnh.

Trong phần cảm ơn của khóa luận tốt nghiệp, chàng trai đã ôn lại hành trình học tập và gửi lời cảm ơn chi tiết đến 65 người tốt bụng đã giúp đỡ mình, đặc biệt là người mẹ, theo CCTV.


Lời cảm ơn viết bằng ngôn từ cảm động dài 6.000 chữ của Tô Chính Dân gây sốt cộng đồng mạng Trung Quốc.

Quê hương của Chính Dân là một ngôi làng miền núi nhỏ ở huyện Hỷ Đức, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khi còn nhỏ, gia đình nghèo đến mức Chính Dân thường xuyên phải nhịn đói và uống nước suối, ăn trái cây dại để sống qua ngày. 

Dù cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng gia đình vẫn không ngần ngại gửi con trai đến trường. 

“Mẹ tôi là một công nhân vệ sinh bình thường. Vì không biết đọc và không nói được tiếng Trung nên bà đã làm công việc vệ sinh một cách lặng lẽ suốt 22 năm qua.

Trước đây, còn trẻ và nhạy cảm, tôi luôn ngại ngùng khi nói về công việc của bà. Nhưng chính người công nhân vệ sinh thầm lặng ấy đã gánh vác cả gia đình với chiếc chổi nhỏ trên tay, một mình nuôi ba đứa con với thân hình gầy gò. 

Trong nhiều năm qua, bà đã dạy chúng tôi cách trưởng thành nhờ sự giản dị, nhân hậu, kiên trì và biết ơn. Bà luôn dạy chúng tôi rằng: 'Làm người và làm việc cũng như quét nhà, phải sạch sẽ và tận tâm'", trích lời cảm ơn 6000 chữ trong luận văn của Chính Dân.

Con đường trong núi tới trường tưởng chừng rất gần nhưng thường phải đi đường vòng rất lâu. Tuy nhiên, việc phải đi bộ 2-3 tiếng mới đến trường không làm nản lòng cậu bé nhỏ ham học.

Nói là trường học nhưng thực chất chỉ là mấy ngôi nhà ngói bùn xây bằng đất hoàng thổ. Mưa to là ẩm ướt hết bên trong. 

Dưới sự hướng dẫn của một giáo viên tình nguyện, Tô Chính Dân đã bắt đầu học tiếng Trung. Thật không may, khi chàng trai 15 tuổi, cha qua đời vì làm việc quá sức và cậu cũng phải bỏ học vì gia đình quá nghèo khó. 

Trong lúc muôn vàn khó khăn, dân làng đã nộp đơn xin trợ cấp sinh hoạt phí cho gia đình nhà Tô và một nhà hảo tâm đã trợ cấp học hành của Chính Dân. 

Quay trở lại trường, cậu càng quyết tâm thay đổi vận mệnh của mình thông qua con đường học tập. Chàng trai người Ô Lô luôn không ngừng nỗ lực học tiếng Trung. Nhiều lúc, Chính Dân nhịn ăn để lấy tiền mua tài liệu học tập.

Những đứa trẻ không thể mãi nhốt trái tim mình trong kẽ núi

Năm 2017, thông qua kế hoạch tuyển sinh dự bị, Tô Chính Dân được nhận vào Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam. 


Mẹ và em gái Tô Chính Dân trong lần hiếm hoi vượt núi ra ngoài để đến dự lễ tốt nghiệp của con trai. 

Mang theo hành lý chỉ vẻn vẹn vài món đồ đơn giản, Chính Dân đi hơn 10 tiếng đồng hồ trên chuyến tàu gập ghềnh, tìm đường đến ước mơ của mình. 

“Tôi bước ra khỏi núi và thực hiện ước mơ ‘vượt núi’ thời thơ ấu của mình bằng con đường học tập”.

Khi bước vào đại học, Tô Chính Dân cảm thấy thương mẹ và tự ti vì hoàn cảnh gia đình mình. 

“Dù ở đâu, dù đang trải qua điều gì, khi nghĩ đến mẹ, tôi chỉ cảm thấy buồn bã nặng nề. Những năm đi học, mỗi khi ăn đồ ngon là tôi chợt buồn, thậm chí là khóc. Tôi luôn nghĩ đến nơi xa xôi, để tiết kiệm tiền, mẹ tôi vội vàng dọn bữa ăn với một bát kiều mạch và một củ khoai tây.

Tôi luôn cho rằng giữa mình và người khác có một khoảng cách rất lớn, tôi sẽ không chủ động giao tiếp với người khác hay một mình tham gia vào bất kỳ hoạt động nào".

 Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái xung quanh, chàng trai dần nhận ra rằng: “Những đứa trẻ lớn lên sau những dãy núi không thể mãi nhốt trái tim mình trong những kẽ núi”.

Tô Chính Dân nhận được một số hỗ trợ chính sách như cho sinh viên vay không lãi suất và trợ cấp quốc gia. Khi biết rằng mùa đông cậu chỉ có một chiếc chăn mỏng, một giáo viên đã lén mua một chiếc chăn dày gửi đến ký túc xá của Chính Dân.

"Vô số người tốt bụng và bạn bè thân thiết đã dành cho tôi sự ấm áp và giúp đỡ tôi như gia đình, giúp tôi có thêm cơ hội hoàn thiện sự nghiệp đại học của mình". 

Kể từ năm 2017, chàng trai Ô Lô đã hiến máu tổng cộng 32 lần, gia nhập Ngân hàng Tủy xương Trung Quốc và làm đơn tình nguyện hiến tạng.

Tô Chính Dân cũng phát động kế hoạch hỗ trợ học sinh nghèo ở quê hương, quyên góp được hơn 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng) và đã tài trợ cho 65 học sinh nghèo của làng Lương Sơn đến trường.

Sau khi tốt nghiệp, chàng trai quay lại quê hương Lương Sơn dạy học một thời gian và dự định sẽ tiếp tục học cao học. Tô Chính Dân cho biết chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc học sau thời gian bỏ học do gia cảnh khó khăn. 

“Sau khi trải qua rất nhiều điều và nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người, tôi dần nhận ra rằng con người không thể chỉ sống cho riêng mình mà phải trả ơn.

Tôi biết quê tôi Lương Sơn là nơi như thế nào và trẻ em ở đây thiếu gì nên tôi muốn quay về cống hiến cho quê hương, đất nước và xã hội. Tôi hy vọng có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để cho trẻ em biết rằng việc học và đọc sách thực sự hữu ích”.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/xuc-dong-loi-cam-on-nguoi-me-la-cong-nhan-ve-sinh-cua-tan-cu-nhan-2280051.html

Nam sinh tình mẫu tử cử nhân

Tin tức mới nhất