“Osechi Ryori” là bữa ăn đặc biệt đón chào năm mới của người Nhật. Đây là những món ăn mang ý nghĩa đặc biệt, đựng trong hộp cơm sơn mài nhiều tầng, được trang trí vô cùng tỉ mỉ gọi là Jubako.

Truyền thống ẩm thực năm mới này của người Nhật Bản đặc biệt đến mức Osechi Ryori được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong Washoku (Ẩm thực truyền thống Nhật Bản) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-1

Nguồn gốc của Osechi Ryori

Trước kia, Osechi Ryori được gắn liền với lễ tế cho các vị thần vào ngày sechinichi – ngày khởi đầu của mỗi mùa trong năm. Những món ăn trang trí tỉ mỉ gọi là “sechie” sẽ được dâng lên cho các vị thần nhằm bày tỏ sự biết ơn và mong muốn một mùa mưa thuận gió hòa. Ban đầu truyền thống này chỉ thuộc về giới quý tộc, tuy nhiên đến thời Edo (1603-1868) nó đã dần trở nên phổ biến ở các tầng lớp khác.

Mặc dù Osechi Ryori từng được ăn nhiều lần trong năm, nhưng theo thời gian, nó dần trở thành truyền thống đặc biệt gắn liền với ngày sechinichi mùa xuân, cũng là ngày bắt đầu năm mới.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-2

Các món ăn Osechi thường được chuẩn bị từ trước và ăn trong ba ngày đầu tiên của năm mới. Chúng thường là những món ăn nguội, đồ khô hoặc có vị chua, ngọt, bởi vậy, có thể được bảo quản một cách dễ dàng là không lo bị hư hỏng.

Nguyên nhân là vì người Nhật Bản tin rằng, vào ngày đầu tiên của năm mới bất cứ hoạt động nào cũng nên được dừng lại, kể cả việc nấu nướng để các vị thần được nghỉ ngơi.

Truyền thống này sẽ tránh để không làm phiền các vị thần bằng âm thanh dao thớt, đồng thời cũng tạo khoảng thời gian nhàn nhã cho những người phụ nữ vốn luôn phải bận rộn với việc bếp núc được nghỉ ngơi và tận hưởng các lễ hội.

Ẩm thực Osechi Ryori có nhiều món ăn nhỏ được trình bày ngăn nắp trong hộp sơn mài nhiều tầng gọi là Jubako. Bản thân các món ăn, thành phần cũng như số lượng đồ ăn trong hộp đều được sắp xếp theo một ý nghĩa đặc biệt, được cho là sẽ đem tới may mắn và hạnh phúc cho người ăn.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-3

Ý nghĩa của các món ăn trong Osechi Ryori

Kuromame (đậu đen bung)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-4

Kuromame là món đậu đen bung ngọt, chúng tượng trưng cho sức khỏe và khả năng làm việc chăm chỉ trong năm mới. Món ăn này có vè ngoài vô cùng bóng bẩy nhờ được nấu ở nhiệt độ thấp với đường và nước tương tròng vòng 8 tiếng.

Kazunoko (trứng cá trích muối)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-5

Kazunoko tượng trưng cho khả năng sinh sản. “Kazu” trong tiếng Nhật có nghĩa là số, và “ko” có nghĩa là đứa trẻ. Món ăn này tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống trong dịp năm mới. Ngoài trứng cá trích, người ta cũng có thể thay thế món này bằng Ikura nghĩa là trứng cá hồi do ý nghĩa tượng trưng của hai món ăn này giống nhau.

Satoimo (khoai sọ)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-6

Những củ khoai sọ satoimo được ninh trong nước dashi và nước tương cho đến khi mềm và ngấm gia vị. Loại khoai này khi mọc có một củ chính và nhiều củ nhỏ mọc ra từ nó nên satoimo tượng trưng cho lời cầu chúc một gia đình ngày càng phát triển, hòa thuận.

Tazukuri (cá mòi khô sốt nước tương)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-7

Đây là món cá mòi khô được nấu cùng nước sốt làm từ mật ong, nước tương và hạt mè. Nếu viết bằng kanji, nghĩa đen của tên món ăn này có nghĩa là “người làm ruộng”, vì trong lịch sử cá mòi từng được dùng để làm phân bón cho đất đai, cây trồng. Do đó, món ăn này tượng trưng cho một vụ mùa bội thu.

Kohaku Kamaboko (chả cá)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-8

Kohaku kamaboko là loại chả cá có hai màu đỏ và trắng xen kẽ, đây là những màu mang ý nghĩa tốt lành trong văn hóa Nhật Bản. Món ăn này tượng trưng cho mặt trời mọc đầu tiên của năm mới. Nếu như màu trắng tượng trưng cho sự khởi đầu mới thì màu đỏ lại tượng trưng cho sự may mắn. Thông thường, Kohaku kamaboko chỉ được cắt theo những cách đơn giản, tuy nhiên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới thì chúng được tạo thành các hình dáng phức tạp hơn như hình 12 con giáp hoặc hình bán nguyệt, xoáy bện, …

Kohaku namasu (dưa chua)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-9

Lại thêm một món ăn nữa mang màu đỏ và trắng đó là Kohaku namasu – một loại dưa chua làm từ cà rốt và củ cải trắng xắt sợi, muối chua ngọt với giấm và nước quýt yuzu. Ngoài việc có màu sắc tượng trưng cho năm mới, món ăn này còn là biểu tượng cho mối quan hệ gia đình ngày càng sâu sắc.

Datemaki (trứng cuộn ngọt)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-10

Datemaki là món trứng tráng cuộn ngọt trộn với tương cá. Nó được cuộn lại bằng cách sử dụng một tấm mành tre để tạo ra các vết lõm, khiến cho miếng trứng khi được cắt ra trông giống như một cuộn giấy thời xưa. Vì thế món ăn này được xem như lời cầu chúc về trí tuệ và tri thức.

Kurikinton (hạt dẻ ngào đường)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-11

Theo quan niệm của người Nhật, nếu năm mới muốn đạt được sự giàu có, sung túc thì cần phải ăn món Kurikinton. Món này được làm bằng cách ngào hạt dẻ với đường, có thể ăn riêng mình Kurikinton hoặc ăn chung với khoai lang nghiền. Màu vàng và hình dạng của hạt dẻ trông rất giống với đồng koban – một loại đồng xu từng được sử dụng ở Nhật. Vậy nên món ăn này đại diện cho sự giàu có và thịnh vượng về tài chính.

Kobumaki (rong biển cuộn)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-12

Kobumaki là những cuộn tảo bẹ được buộc bằng các sợi bầu khô và đun trong nước tương, rượu mirin, rượu sake, giấm gạo và đường. Thông thường chúng còn được nhồi với nhân cá hồi muối bên trong. Món ăn này được cho là sẽ đem lại hạnh phúc trong năm mới, vì trong tiếng Nhật kobu (tảo bẹ) đồng âm với một phần của từ yorokobu có nghĩa là hạnh phúc, vui vẻ.

Ebi (tôm)

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-13

Ebi hay tôm được góp mặt trong hộp cơm mừng năm mới bởi hình dạng cong cong khi nấu chín của nó khiến người ta liên tưởng tới các cụ già còng lưng. Ngoài ra phần râu dài của tôm cũng là một đặc điểm tượng trưng cho sự có tuổi của người già. Do đó, đây được xem như là một lời chúc cho sự trường thọ, minh mẫn và thông thái.

Có hai loại cá thường được sử dụng nhiều nhất trong hộp cơm Osechi đó chính là cá Tai (cá tráp biển) và cá Buri (cá hổ phách đuôi vàng Nhật Bản). Cá Tai thường được ăn trong các bữa tiệc ăn mừng ở Nhật Bản bắt nguồn từ một cách chơi chữ với từ medetai, có nghĩa là “ăn mừng”. Chúng thường được cắt thành dải hoặc để nguyên con và nướng lên.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-14

Cá Buri thường được làm thành sashimi để thưởng thức. Ở Nhật, có một số loại cá sẽ được người Nhật sử dụng những cái tên khác nhau theo từng giai đoạn phát triển gọi là cá “shusse-uo”, cá Buri nằm trong số chúng. Từ “shusse-uo” có sử dụng các chữ giống như từ “shusse” trong tiếng Nhật có nghĩa là “thành công”. Do đó, cá Buri tượng trưng cho sự tăng trưởng, phát triển và thăng tiến.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-15

Renkon (củ sen ngâm)

Renkon là củ sen ngâm giấm, chúng có vị ngọt, chát, giòn và hơi dính với hình dáng đẹp mắt. Những cái lỗ trong thân củ giúp chúng ta có thể nhìn xuyên qua chúng mà không bị cản trở, bởi vậy món ăn này tượng trưng cho một tương lai hạnh phúc, không có trở ngại hoặc ít nhất ta có thể nhìn thấy trước những khó khăn sắp phải trải qua để kịp thời ứng phó.

Ý nghĩa ẩn bên trong hộp cơm Osechi mừng năm mới của người Nhật-16

Trong một hộp cơm Osechi có thể chứa vô số món ăn và nguyên liệu khác, nhưng những món ăn trên đây là đại diện tiêu biểu và mang những ý nghĩa tốt lành nhất. Để chuẩn bị được một hộp đồ ăn Osechi theo đúng phong cách truyền thống thường đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức, bởi vậy đây còn được xem như một đại diện cho sự chăm chỉ, đức tính cần cù, tỉ mỉ của người Nhật.

Theo Dân Việt