Hình ảnh hiệu trưởng cầm quyền trượng (cây chùy), đeo vòng cổ thường xuất hiện tại lễ tốt nghiệp của các đại học ở châu Âu và Mỹ.

1. Quyền trượng

Nguồn gốc và ý nghĩa của quyền trượng trong lễ tốt nghiệp được lý giải theo nhiều hướng khác nhau. Trang Dreamstime nói rằng tất cả lễ tốt nghiệp đại học tại Mỹ đều có nghi thức mở đầu bằng việc giáo sư hoặc người đứng đầu nhà trường tiến vào cùng quyền trượng của trường.

Truyền thống này bắt nguồn từ thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ đen tối ở châu Âu. Cây chùy được dùng để bảo vệ sinh viên khỏi những kẻ lưu manh quấy rối khi đi qua thị trấn.

Ý nghĩa quyền trượng và vòng cổ hiệu trưởng mang tại lễ trao bằng-1
Cây chùy trong lễ tốt nghiệp đại học. Ảnh: The State University of New Jersey.

Trong khi đó, trang University of Washington thông tin quyền trượng tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường đại học và chỉ xuất hiện khi có sự hiện diện của người đứng đầu nhà trường cùng các thành viên trong hội đồng quản trị.

Vật dụng này là biểu tượng cổ xưa của uy quyền, mang ý nghĩa các trường đại học đang bảo vệ truyền thống học tập lâu đời, đồng thời ban tặng sức mạnh cho người học.

Cây chùy cũng là lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng.

2. Vòng cổ

Đây là vật dụng không thể thiếu trong các buổi lễ quan trọng của đại học tại các nước châu Âu, châu Mỹ, thường được gọi là The President’s Medallion.

Ý nghĩa quyền trượng và vòng cổ hiệu trưởng mang tại lễ trao bằng-2
Vòng cổ được lãnh đạo trường sử dụng trong các buổi lễ quan trọng. Ảnh: Bentley University.

Người duy nhất được đeo loại vòng này là người đứng đầu của trường đại học, nhằm tượng trưng cho quyền điều hành, cũng là lời nhắc nhở người sử dụng phải khôn ngoan, cẩn thận khi đưa ra những quyết định quan trọng.

Vòng cổ của mỗi trường được thiết kế khác nhau nhưng thường được in logo hoặc câu khẩu hiệu của trường.

3. Lễ phục của cử nhân

Lễ phục của cử nhân trong lễ tốt nghiệp gồm áo, mũ đội và mũ choàng (loại mũ được thiết kế rộng, to bản, dùng để choàng qua vai).

Bộ lễ phục tốt nghiệp được cho là đã có từ thời trung cổ. Thời kỳ đó, các học sinh, sinh viên thường mặc loại trang phục này để giữ ấm khi ngồi học trong những hội trường ẩm thấp, lạnh lẽo.

Theo University of Washington, mũ đội đầu là biểu tượng của sự tự do trong học tập. Nhiều trường đại học tại Mỹ đã đặt ra quy định cụ thể cho việc đặt tua trên mũ đội đầu.

Cụ thể, các cử nhân trước khi nhận bằng sẽ để tua mũ ở bên phải. Tua mũ sẽ được chuyển sang trái ngay khi cử nhân được ban giám hiệu trao bằng.

Ý nghĩa quyền trượng và vòng cổ hiệu trưởng mang tại lễ trao bằng-3
Trang phục của sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Rutgers University.

Áo, hay còn gọi là áo thụng, là biểu tượng cho nền dân chủ trong học tập vì chiếc áo này có khả năng "che phủ" mọi địa vị, tầng lớp xã hội.

Áo thụng thường là màu đen và được thiết kế riêng cho từng đối tượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Áo của cử nhân thường có ống tay rộng, thuôn dài.

Áo của thạc sĩ thường cắt ngang phần khuỷu tay và đuôi tay áo kéo dài. Những người tốt nghiệp tiến sĩ được mặc trang phục với phần tay áo hình chuông, phồng to.

Tại Việt Nam, mũ choàng trong bộ lễ phục cử nhân không phổ biến. Nhưng tại các đại học ở Mỹ, mũ được thiết kế với màu sắc riêng nhằm phân biệt ngành học của các cử nhân.

Ví dụ, tại ĐH Rutgers (Mỹ), mũ màu vàng dành cho sinh viên thuộc nhóm ngành khoa học, màu trắng dành cho sinh viên thuộc nhóm ngành nghệ thuật, màu hồng là biểu tượng của nhóm sinh viên ngành sức khỏe, màu tím dành cho nhóm ngành luật.

Theo Zing