10 năm trước đây hay bây giờ cũng thế, bố mẹ vẫn đứng đợi con thi

Không phải tự nhiên, mỗi mùa thi qua, hình ảnh bố, mẹ đứng chờ con ngoài phòng thi luôn được chia sẻ nhiều nhất. Có lẽ, ai cũng nhớ về một thời mình đi thi, ở ngoài cánh cổng trường kia, dù nắng hay mưa, bố mẹ vẫn luôn kiên nhẫn đợi.



5 năm trước đây, tôi cũng đã từng là sĩ tử. Nhà có mỗi mình ôn thi Đại học, nhưng tới ngày thi, lại có thêm 2 “sĩ tử” nữa cùng lên đường.

Là mẹ. 4 giờ sáng đã dậy sớm đồ xôi. Dù đêm qua cũng đâu được chợp mắt gì nhiều, nhưng tới lúc con dậy đi thi nhất định phải có đĩa xôi đỗ xanh ăn kèm với trứng rán. Hồi đó, cầm 10 ngàn đồng ra đường là có luôn túi xôi ăn kèm giò cả trứng đúc thịt. Cần gì kỳ cạch, nhưng mẹ lo con ăn ngoài phố bụng đau…

Ngọc Hà

“Nhớ thời gian này 6 năm trước 2 bố con xách nhau ra Hà Nội thi Đại học, con thì say xe bố thì vừa vác đồ vừa vác cả con đi, mưa hay nắng gì thì lúc thi xong ra khỏi phòng đã thấy bố đứng cầm cái ô chờ sẵn rồi. Lúc đó thương bố nhưng chả biết nói gì.”

Tùng Beng

“Ngày đi thi bố không động viên, bố không chuẩn bị hành trang tốt như cô bé này, bố chỉ chìa đôi bàn tay chai sạm vì bị xi măng ăn loét đến tứa máu và nói: “Nhìn tay bố mà cố gắng con nhé! Đừng để như bố!” Đó là hành trang vững chắc nhất mình có trước ngày đi thi.”

Là bố. “Sĩ tử” lớn chịu trách nhiệm đưa đón sĩ tử con. Mùa hè miền Trung, nắng thì to như đổ lửa. Hai bố con chở nhau trên con xe số tới trường, hai bên đường cũng đã đầy những phụ huynh khác. Bố tìm được chỗ đỗ, rồi dặn đi dặn lại: “Bố đứng ở đây, ra về nhớ là bố đứng ở đây”.

Mấy tiếng làm bài rồi cũng qua. Bước ra cổng trường đã thấy bố lóng ngóng tìm con sao mà thương thương lạ. Hơn 3 tiếng đồng hồ, bố cứ chờ thế, dưới cái nắng như thiêu, chẳng dám đi đâu, cũng không thể về nhà chỉ vì sợ con gặp sự cố, cần là có bố. Con thi trong đó, ở ngoài này bố cũng chiến đấu với lo âu, thấp thỏm… Để rồi chỉ cần nghe con nói “làm cũng tạm thôi” là đã đủ thở phào.

Giờ nhớ lại, vẫn cứ thấy thương!

Những ngày này, các sĩ tử cũng đang có một mùa thi. Lần nào ngang qua, tôi cũng cố chạy xe thật chậm để nhìn những ông bố bà mẹ đang ngồi chờ con như bố tôi hồi trước. Chừng ấy thời gian, chắc kỳ thi của các em đã có nhiều thay đổi. Duy chỉ có một điều không đổi, là bố mẹ vẫn đứng ngoài cảnh cổng đợi con…

Con có thể làm tốt hoặc không, kết quả có thể cao mà cũng có thể thấp – nhưng bố mẹ vẫn luôn dành cho con tình yêu, sự lắng lo như thế; vẫn luôn theo sát con trên mỗi bước đường. Con đi thi, mang bên mình kiến thức, bút thước, máy tính, compa… Và còn mang thêm tình yêu, sự kỳ vọng, niềm tin từ bố mẹ. Để rồi tự nhắc mình cố thêm một chút, cẩn thận thêm một tí. Ở ngoài kia, có bố mẹ đang ngóng tin mình…

5 năm trước, rồi cả 5 năm sau, trong mỗi buổi thi, ngoài cánh cổng trường vẫn luôn là phụ huynh đứng đợi. Những ông bố bà mẹ chẳng dám đi đâu dù 3 tiếng làm bài dài đằng đẵng, cứ nhất quyết đứng dưới mưa, dưới nắng, vì lo lắng, vì thương con…

Phía dưới đây là những câu chuyện tôi vô tình bắt gặp được trong chuỗi ngày đứng phía ngoài cánh cổng cùng các phụ huynh khi kỳ thi THPT 2016 diễn ra. Hãy đọc chúng, để biết rằng bố mẹ nào cũng thương con như thế đó. Thứ tình thương chẳng viết nổi thành lời.






NGƯỜI CHA KHÔNG SỢ KIẾN

Tôi gặp chú tại điểm thi Học viện Báo chí & Tuyên truyền (Hà Nội) chiều ngày thi đầu tiên. Tình cờ thôi, tôi ngồi nghỉ bên cạnh chú sau cả tiếng đồng hồ ngược xuôi, thấy chú đi đôi dép tổ ong đã ngả màu, lim dim dựa vào gốc cây, có vẻ khá mệt mỏi. Tôi cố gắng bắt chuyện bằng câu hỏi: “Chú nằm thế này mà không sợ bị kiến khiêng đi ạ? Gốc cây nhiều kiến lắm!”. Chú cười xòa rồi bảo: “Ôi, kiến thì có là gì đâu cô, tôi ngủ bờ ngủ bụi quen rồi...”

Chú Hùng, ở Hoài Đức

“Ngày xưa tôi đi lao động bên Malay, làm công nhân xây dựng ấy, chuyên đi làm cầu, đường, như thế kia kìa...”. Nói đoạn, chú lôi từ chiếc ví cũ,rách bươm của mình ra một xấp giấy tờ, thẻ, chứng minh toàn chữ Malaysia khoe tôi: “Tôi đi làm bên đấy 6 năm, làm công trình toàn ngủ luôn gầm cầu, chẳng có lều lán gì, thế mà vẫn ngủ ngon lành. Tôi còn có cả chứng minh bên Malay rồi nhé, có cái giấy này, đi mấy nước trong Asean không cần làm hộ chiếu đâu, nhưng chắc đời này, tôi cũng chẳng bao giờ được ra nước ngoài nữa...”

Tôi cố tình lảng sang hỏi chuyện khác, trộm nghĩ hỏi về con gái, chắc chú sẽ vui đây. Mà chú vui thật, nói chuyện với tôi mà cứ cười mãi không dứt. “Tôi có 4 đứa con, 3 đứa lớn đi làm hết rồi, vào biên chế nhà nước hẳn hoi nhé, giờ còn mỗi nó thôi. Học thế nào thì học, cố lấy được cái bằng cho dễ xin việc, đỡ khổ. Không phải nói tiêu cực đâu chứ cô xem, tôi già rồi, chẳng biết có sống được đến lúc nó ra trường, đi làm, kiếm tiền báo đáp tôi không, mà tôi cũng chẳng cần. Ngày xưa chúng tôi khổ nhiều, bữa ăn được có lưng bát cơm, còn lại toàn ăn độn, quần thì vá chằng vá đụp, giờ chỉ mong con cái được học hành đàng hoàng, nó còn học thì tôi còn nuôi được.”

Chú còn nói nhiều lắm, về nỗi vất vả của chú, về cái thời mà những đứa chúng tôi chỉ còn biết qua lời kể. À, hóa ra, còn đói đó, còn khổ đó, nhưng đã có người thay chúng tôi gánh lấy rồi, người mà tôi, bạn, chúng ta vẫn gọi hằng ngày bằng một tiếng giản dị: “Bố ơi”.



NGƯỜI CHA ĐÁNG YÊU NHẤT

Tôi còn bắt gặp thêm một câu chuyện hết sức dễ thương. Đó là hình ảnh một người cha hớt ha hớt hải chạy từ ngoài cổng trường vào chỉ để cố gọi con lấy máy tính trong buổi thi... Ngoại ngữ. Chú cứ gọi với lên trên tầng cao, nơi con gái chú đang đứng. “Quên máy tính này con! Con ơi, xuống lấy máy tính! Không có máy tính thì làm bài thế nào! Con ơi!”

Chú Phương, ở Đan Phượng

Chú gọi lâu lắm, rồi lại lủi thủi cất máy tính vào cặp bước ra ngoài. Có lẽ đến lúc ấy, chú vẫn không nghĩ là mình đã nhầm, rằng thi Ngoại ngữ thì đâu cần máy tính. Chỉ vì sợ con không làm được bài mà chú đã hớt hơ hớt hải. Tôi bỗng nhớ đến một đoạn trích nhỏ tôi từng đọc đâu đó trên mạng: “Bên trong điện thoại: You have dialed the wrong number. Please check and try again.”. Bên ngoài điện thoại: "Con ơi, sao ngày nào con cũng nói tiếng nước ngoài thế, mẹ nghe không hiểu gì cả, nhưng mẹ rất nhớ con...”.

Cuối ngày thi hôm đó, tôi lại vô tình gặp chú ngoài cổng trường, chạy đến khoe chú cái ảnh rồi nói: “Ai cũng khen chú đó!”. Chú trả lời thành thật: “Thì chú có biết gì đâu, thấy em nó không cầm máy tính, tưởng nó quên, không có gì để tính thì chết!”.

Đúng là “Cả năm làm lụng để nuôi con cái. Đến khi đi thi phải lo mọi điều. Có lẽ bố không biết tiếng Anh là gì, nhưng bố biết tiếng lòng của con. Cố lên con của bố...” (Trích từ bình luận của một bạn đọc khi xem tấm hình chú vội vã đưa máy tính cho con).



NGƯỜI CHA VỚI “TẤN MỐT THÓC”

Tôi có vẻ có duyên khi bắt chuyện với những người cha. Và người cha mà tôi kể cho các bạn nghe bây giờ đến từ một nơi cách điểm thi tại Đại học Sư phạm (Hà Nội) gần 70km.


Chú Hùng, ở Ba Vì

Chú kể nhà chú ở đúng lưng chừng đồi, xa thì có xa thật nhưng mà đường xá cũng tiện nên không quả vất vả. Chú khoe hôm qua em thi về mà tươi tắn lắm, làm chú cũng thấy vui. Rồi chú nói nửa đùa nửa thật: “Chú với cô phải bán tấn mốt thóc mới đủ tiền đưa em đi thi. Em thi tốt thì chú mừng, không tốt thì chú lại phải “về úp mặt vào sông quê”, hai ông bà già lo mà đi cày kiếm cơm thôi”.

Trời khi ấy vừa mưa xong, những vẫn oi, có ông bố ngồi gần kêu nóng, con đi thi mà bố khổ hơn con, chú gạt phắt: “Anh không được nghĩ như thế, lúc nào cũng phải nghĩ con mình là nhất. Bố mà còn thấy khổ thì làm sao mà con chịu được.”.

Rồi như một thói quen, hễ nhắc đến chữ “khổ” là người ta nhớ đến ngày xưa. Chú kể chuyện bát cơm, cơm trắng thì ít mà ngô với sắn thì nhiều, vẫn cái quần vá “tích kê” chằng chịt, thôi thì “mặt nào đẹp thì ưu tiên mặc mặt đấy trước”, sáng hôm sau đi học, ngoáy mũi mà mũi đen sì”. Kể “khổ” xong rồi thì chú khen thế hệ bọn tôi sướng hơn. Thì khổ sao được khi có những người cha, người mẹ vĩ đại như chú, sinh con ra, nuôi con lớn, chở che, bảo vệ con khỏi bão táp mưa sa cuộc đời...

Cha Mu Chan

“Nhớ hồi xưa đi thi học sinh giỏi, mẹ hay dậy sớm nấu xôi đỗ cho mình ăn để may mắn, rồi đạp xe mấy gần chục cây số chở mình đi! Bây giờ 22 tuổi rồi mà chưa làm được gì để báo hiếu bố mẹ... Đối với bố mẹ, con cái là tài sản quí giá nhất...”

Ngọc Mai

“2 năm trước cũng đi thi. Mà xui là quên mang CMND. Lúc đi 2 bố con lóc cóc xe máy từ Ninh Bình sang Nam Định. Buổi sáng đến nhận phòng thi mới biết quên CMND, khóc như mưa, về hò bố. Bố lại tất tả từ Nam Định về Ninh Bình lấy CMND xong lại từ Ninh Bình qua Nam Định, chỉ trong vỏn vẹn mấy tiếng đồng hồ. Lúc đấy mớ thấy thương bố, nắng nôi vất vả lại còn tạo mọi điều kiện cho mình.

Mặc Vũ

“Nhớ năm đó đi thi, sáng thì nắng chang chang, chiều lại mưa tầm tã, vậy mà mẹ vẫn cứ đứng đợi ở cổng trường, chờ mình ra chỉ để đưa cho chai nước rồi chở đi ăn lấy sức chiều thi tiếp. Thương gì đâu…”

Phương Thanh

“Cả bố cả mẹ đều là những người tuyệt vời nhất. 11 giờ tối, hai bố con là vị khách cuối cùng của nhà trọ. Đi tìm phòng trọ mà đâu có, tự tìm không được, phải nhờ anh họ đèo đi từng nhà trọ một. Cuối cùng vào một phòng toàn con gái, bố phải ra ghế bên ngoài ngủ cho mấy chị em bên trong ôn bài, mai thi . Bố và anh đều là những người đàn ông thật tuyệt.”

Đó chỉ là ba trong số hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là nhiều hơn nữa những câu chuyện cảm động xuất hiện trong mùa thi Đại học năm nay. Lúc này đây, tôi sẽ không phải người kể lại chúng nữa. Hãy để những ánh mắt ngóng trông, những nét bần thần, những cái thở dài, cả những nụ cười, rồi những cái ôm… của những người cha, người mẹ có con là sĩ tử của mùa thi năm nay tự kể điều đó. Chắc rồi ai cũng hiểu, bố mẹ đã lo lắng, đã yêu thương chúng ta như thế nào.

Theo Kênh 14

Tin tức mới nhất