Video: Một phần clip quảng cáo loa Nam Môn.

Có những đoạn quảng cáo truyền hình gây ấn tượng đến mức trở thành ký ức khó quên của cả thế hệ, như đoạn quảng cáo được phổ biến cách đây 30 năm mà gần đây nhiều người chia sẻ lại trên mạng xã hội như một cách hoài niệm: Clip quảng cáo loa Nam Môn.

Đoạn quảng cáo đi vào lòng khán giả truyền hình thập niên 90 thế kỷ trước bởi lời thoại ngắn gọn, ấn tượng và diễn xuất duyên dáng của các nghệ sỹ hài nổi tiếng một thời.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, hai người đàn ông vừa thưởng thức âm thanh phát ra từ bộ loa vừa tranh cãi:

- “Bát (bass) đậm và dầy thế này chắc chắn là loa Mỹ”.

- “Chép (treble) nhiều mà mỏng như tơ thế này, chỉ có thể là loa Nhật!”.

Trong khi người khăng khăng nói “Mỹ”, người nhất định bảo “Nhật”, không ai chịu ai thì ông bạn họ (nghệ sỹ Trịnh Mai) xuất hiện và bật mí: “Xin lỗi hai nhà thẩm âm sành điệu, đây không phải loa Mỹ, mà cũng chẳng phải loa Nhật, mà đấy chính là Nam Môn!".

Ai còn nhớ quảng cáo này chắc đã trung niên-1
Cặp loa Nam Môn huyền thoại một thời. 

Trên mạng xã hội, những bài đăng chia sẻ đoạn quảng cáo “cổ xưa” này nhận được nhiều bình luận đầy hoài niệm: “Đoạn quảng cáo đình đám một thời, ai cũng thuộc, cũng nhớ”; “Hồi đó có ‘con’ Nam Môn’ này là oanh liệt lắm, bao nhiêu người ngước nhìn”; “Bộ loa khỏe phá làng phá xóm”; “Hồi đó đứa nào to mồm sẽ bị mắng là mồm mày như cái loa Nam Môn”…

Nhiều người cho rằng, đoạn video này in đậm trong tâm trí khán giả vì cả nghệ thuật quảng cáo, sản phẩm được quảng cáo và nghệ sỹ quảng cáo đều thuộc hàng đình đám.

Trong 3 diễn viên, hầu hết khán giả đều nhận ra Trịnh Mai và Phạm Bằng. Hai nghệ sỹ kịch nổi tiếng, cây hài duyên dáng hễ xuất hiện là khiến người xem lăn ra cười này từ lâu đã là người thiên cổ.

NSƯT Trịnh Mai qua đời năm 2009 ở tuổi 76; còn NSƯT Phạm Bằng mất năm 2016, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhân vật trung tâm của đoạn quảng cáo loa Nam Môn là nghệ sỹ Trịnh Mai. Ông sinh năm 1933, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, từ nhỏ đã tham gia các hoạt động văn nghệ thôn với vai trò diễn xướng.

Thời làm công nhân Xí nghiệp Da giày Hà Nội, Trịnh Mai là một trong cây văn nghệ chủ chốt để tham gia các hội diễn quần chúng. Đến năm 1968, ở tuổi 35, ông mới vào biên chế Đoàn Kịch Hà Nội.

Thập niên 1980 – 1990, nhắc đến diễn viên hài, khán giả truyền hình nhớ ngay đến Trịnh Mai, người có biệt danh “ông chát xình chát chát bùm" - vai diễn trong tiểu phẩm chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin. Sau khi đoạn quảng cáo loa Nam Môn trở nên quen thuộc, Trịnh Mai được khán giả tặng biệt danh mới là “ông Nam Môn”.

Còn NSƯT Phạm Bằng cũng là cây hài đình đám trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, đặc biệt nổi tiếng qua nhiều vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3, loạt phim hài Tết Chôn nhời do Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long thực hiện và nhiều phim truyền hình.

Phạm Bằng sinh 1931 tại Hà Nội, từ thời niên thiếu đã mong muốn trở thành diễn viên dù mẹ dứt khoát không đồng ý. Trong thời gian học tại Trường Cao đẳng Giao thông Công chính (năm 1955), được bạn bè rủ rê, ông tham gia đóng vài vở kịch.

Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cùng năm, Đoàn văn công Hà Nội và Đại học Sân khấu khóa I đều tuyển sinh, ông trúng tuyển cả hai nơi và chọn vào Đoàn văn công Hà Nội để “vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình”.

Năm 1964, Đoàn kịch Hà Nội được tách ra từ Đoàn văn công Hà Nội, Phạm Bằng tham gia và nhanh chóng nổi tiếng với các vai phản diện, sau đó thể hiện tài năng qua các tác phẩm hài bình dị mà sâu sắc, thâm thúy.

Ngoài duyên hài, Phạm Bằng còn được người hâm mộ nhớ đến với tư cách ông chủ quán bánh trôi Tàu nổi tiếng ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Quán này hiện do gia đình con trai ông điều hành và vẫn là một trong những địa chỉ ăn vặt được người Hà Nội yêu thích.

Theo VTC