Nam thanh niên mắc quai bị, bác sĩ phải dùng kính hiển vi bắt từng tinh trùng

Anh Thắng mắc quai bị từ năm 14 tuổi nhưng không để ý, lớn lên thấy một bên tinh hoàn teo dần, “xuất trận” không được tinh binh nào.

Tham dự ngày hội của các cặp vợ chồng hiếm muộn tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, anh Lý Chí Thắng (31 tuổi, Lục Ngạn, Bắc Giang) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi liên tục khoe với mọi người hình ảnh cô con gái xinh xắn 3,5kg mới chào đời chưa đầy tháng.

Anh Thắng cho biết đây là trái ngọt sau 6 năm 2 vợ chồng đi khắp nơi để chạy chữa vô sinh.

Anh Thắng lập gia đình vào năm 2013, khi vợ mới 18 tuổi nhưng suốt 2 năm “thả cửa”, vợ anh vẫn chưa có tin vui. Gia đình nội ngoại 2 bên sốt ruột, giục cả 2 đi bốc thuốc, hễ ai mách gì là uống đó, thậm chí có lúc tuyệt vọng, đã mời cả thầy cúng nhưng vẫn không có kết quả.

Nam thanh niên mắc quai bị, bác sĩ phải dùng kính hiển vi bắt từng tinh trùng-1
Anh Thắng chia sẻ về hành trình 6 năm chạy chữa vô sinh

Từ giữa năm 2016, 2 vợ chồng tìm đến nhiều bệnh viện để thăm khám, bác sĩ kết luận tinh dịch của anh không có tinh trùng do biến chứng quai bị.

Theo lời anh Thắng, anh mắc quai bị năm 14 tuổi và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu, sau đó tinh hoàn cũng đau và sưng to. Khi hết bệnh, anh thấy cơ thể trở lại như bình thường, duy chỉ có một bên tinh hoàn cứ teo nhỏ dần nhưng không hề nghĩ mình có thể bị vô sinh.

Trường hợp của anh khá đặc biệt nên các bác sĩ tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã phải chọc hút, lấy mô tinh hoàn đến 3 lần nhưng không thu được tinh trùng nào.

Lần thứ 4, bác sĩ phải dùng kính hiển vi, vạch từng lớp trong tinh hoàn (Micro TESE), may mắn “bắt” được một số tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm.

BS Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học của BV cho biết, không riêng trường hợp anh Thắng, nhiều bệnh nhân khác khi đến khám cũng bị teo tinh hoàn do biến chứng quai bị.

So với các phương pháp “bắt” tinh trùng truyền thống, việc áp dụng Micro TESE sẽ giúp bệnh nhân không phải cắt mô tinh hoàn.

Trong những quả ‘mít kẹ’ vẫn còn một vài ổ có tinh trùng nên mình phải lật kĩ từng lớp. Những trường hợp này chỉ cần mò được 1-2 con đã quý lắm rồi dù tinh trùng khi đó mới chỉ hoàn thiện về mặt gen còn vẫn cụt đuôi, cụt đầu”, BS Hưng chia sẻ.

Theo BS Hưng, chỉ những trường hợp mắc quai bị ở tuổi dậy thì mới có nguy cơ cao bị biến chứng viêm tinh hoàn gây teo tinh hoàn 1 bên hoặc cả 2 dẫn đến vô sinh. Nếu trẻ chưa dậy thì khi mắc quai bị sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này.

Để phòng biến chứng sưng viêm tinh hoàn do mắc quai bị, các bác sĩ khuyến cáo cần dùng thuốc theo đơn kê, nghỉ ngơi, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tuyệt đối không vận động mạnh... để tinh hoàn không bị tác động thêm. Với người lớn chưa từng mắc quai bị, chưa tiêm phòng cũng nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Các bác sĩ cũng khuyên những trường hợp mắc quai bị sau khi điều trị ổn định nên đi gửi tinh trùng vì sau khi mắc bệnh khoảng 2 tháng, tinh hoàn bắt đầu teo dần và đến 6 tháng sẽ nhìn thấy rõ nhất.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Vietnamnet


bệnh quai bị vô sinh

Tin tức mới nhất