Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Đại học Y Dược TP HCM vừa tiếp nhận trường hợp một bé gái 6 tháng tuổi bị bỏng nặng vùng ngực, lớp da đã bị lột, vết thương đang chảy dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy nhiên, người mẹ chỉ nói “ngực con em bị… hơi đỏ” và thiếu máu.
Thấy vậy, bác sĩ Sang cố gặng hỏi người mẹ để khai thác tiền sử bệnh của bé. Khi ấy, người mẹ mới khai từ tháng 3 tuổi, bé gái đã sổ mũi và hay khò khè về đêm. Gia đình đã đưa bé đi chữa ở Cần Thơ nhiều lần nhưng không khỏi.
Một lần, bà nội bé gái nghe người ta dùng trầu không hơ nóng đắp lên ngực sẽ giúp giảm khò khè. Vì vậy, khi các con vắng nhà, bà đã tự hơ và đắp lên ngực cháu nội.
Phụ huynh sai lầm khi dùng lá trầu không chữa sổ mũi cho trẻ (Ảnh minh họa)
Vừa đắp lá trầu không lên ngực, bé gái có biểu hiện đau và khóc liên tục. Đến chiều, bà nội lo lắng quá đã gọi điện cho mẹ bé về đưa con đi khám.
Người mẹ tức tốc bế con ra bến xe lên Sài Gòn thăm khám. Tại đây, bác sĩ Sang chẩn đoán bé gái bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và tiên lượng nặng.
Theo bác sĩ Sang, anh đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bỏng bị hơ lá trầu không đắp lên người nhưng chỉ bỏng nhẹ. Trường hợp nặng như bệnh nhi này là lần đầu tiên.
“Đau đớn hơn cả là ngực bé gái sẽ không tránh khỏi vết sẹo lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này. Thực tế, không có bằng chứng kể cả Đông y về việc chữa sổ mũi, khò khè bằng lá trầu không. Vì vậy, phụ huynh nên cẩn thận khi tin dùng các bài thuốc dân gian vì xảy ra hậu quả, con em là người gánh chịu”, bác sĩ Sang cảnh báo.
Theo Khám Phá