Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục

Đa phần các bệnh nhân nhập viện chủ yếu do cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm đường hô hấp, huyết áp… tăng đột biến khiến các bệnh viện ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải trong đợt rét kỷ lục này.

Mấy ngày nay, các tỉnh miền bắc đang phải hứng chịu đợt rét kỷ lục suốt 30 năm qua. Nhiều nơi thời tiết xấu, giá buốt và xuất hiện nhiều băng tuyết. Chính vì thế trong những ngày rét đậm này, số bệnh nhân trẻ em và người cao tuổi nhập viện tăng đột biến vì các bệnh hô hấp, tiêu chảy, cơ xương khớp, huyết áp, tim mạch, khiến nhiều bệnh viện ở Hà Nội trong tình trạng quá tải.

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 1.

 Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp đón 25- 300 trẻ tới khám.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào ngày 26/1, tại Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân vào viện khám và điều trị tăng không ngừng, chủ yếu mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Bệnh viện luôn trong tình trạng ngột ngạt, chen chúc. Khoa chỉ có 60 giường nên nhiều trẻ phải nằm ghép giường.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện có tăng từ 30 – 50%, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Hiện tại, trung bình một ngày phòng khám Nhi tại Khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai tiếp đón từ 250 – 300 trẻ tới khám, trong đó, hơn một nửa số này là các bệnh về đường hô hấp cấp tính, viêm mũi họng dẫn đến viêm phế quản. suy hô hấp...

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 2.

 Trời lạnh buốt trẻ em nhập viện nhiều khiến giường bệnh quá tải, ít nhất 2, 3 bé nằm chung một giường.

"Bình thường, lượng bệnh nhi khám đêm chỉ dao động 50 – 60 trẻ/đêm. Nhưng mấy ngày hôm nay, kể từ khi thời tiết thay đổi đột ngột, trời rét đậm, rét hại bác sĩ trực phải làm việc rất vất vả bởi số bệnh nhi đến khám quá đông, có nhiều trẻ nhập viện vì viêm phế quản nặng, biến chứng viêm phổi, mất nước ở cơ thể, suy hô hấp", bác sĩ Nam cho hay.

Vào chăm con bị viêm phổi, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Thường Tín, Hà Nội) buồn bã cho biết, thời tiết chuyển rét đậm, con gái 3 tuổi của anh bị viêm phổi nặng, vợ chồng cho con nhập viện đã 3 ngày nay.

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 3.

 Một bé bị viêm phổi đang được các bác sĩ tích cực khám chữa.

"Sau khi thăm khám điều trị, hiện tình trạng bệnh của cháu cũng dần ổn định song vẫn phải ở lại theo dõi. Tuy nhiên, do bệnh nhân quá đông trong khi giường bệnh thì ít nên hầu như phải ghép mấy cháu ở một giường, rất khổ", anh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp cho biết, trong mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Bạch Mai có tăng cao. Tuy nhiên theo đanh giá của bác sĩ, sau đợt rét tầm 7-10 ngày thì số lượng bệnh nhân sẽ cao hơn bởi lẽ khoảng thời gian này người dân vẫn chủ quan không bảo vệ sức khỏe của mình.

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 4.

 Do bệnh viện quá tải nhiều phụ huynh, người nhà bệnh nhân phải nằm ngoài vỉa hè.

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 5.

 Nhiều người ngồi co ro ở vỉa hè trong tiết trời 7 độ C.

Bệnh viện ở Hà Nội quá tải vì bệnh nhân nhập viện trong đợt rét kỷ lục - Ảnh 6.

 Nhiều người rét quấn kín chăn.

"Nhận được sự chỉ đạo của Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về tăng cường, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư đề phòng cho các bệnh nhân nhập viện do thời tiết khắc nghiệt Bạch Mai đã huy động tất cả chăn, màn, đệm, giường cho các bệnh nhân cũng như chuẩn bị kỹ càng cho việc phòng tránh rét cho bệnh nhân ngay tại giường bệnh", ông Châu cho hay.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, trong mấy ngày vừa qua, khi đợt giá rét kỷ lục khiến nhiệt độ hạ nhanh chóng, các em nhỏ do sức đề kháng chưa tốt đã bị nhiễm lạnh và bị ho, sốt kèm theo tiêu chảy đối với một số trường hợp phụ huynh chủ quan cho con ăn đồ lạnh.

Bác sĩ TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời tiết thay đổi và giá rét hơn khiến số lượng bệnh nhân nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt kèm tăng vọt.

"Số lượng bệnh nhân ước tính tăng lên gấp rưỡi so với ngày thường, đặc biệt trong đợt giá rét này, rất nhiều gia đình đã đưa con nhập viện vì sốt cao, vi rút và do viêm họng, dẫn đến viêm phế quản, phổi", ông Hải cho hay.

Theo bác sĩ Hải, hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. 

Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Có những bé, cả một mùa hè không phải dùng xịt dự phòng hen, nhưng thời điểm này, dùng liên tục vẫn có cơn ho, rít và hen phế quản cũng bắt đầu tăng mạnh. Ở những trường hợp nhỏ dưới 6 tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn…

Các bác sĩ cảnh báo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy trong thời điểm này, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường trái cây, vitamin. Lưu ý nhiệt độ phòng cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị nóng hoặc quá lạnh. 

Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Theo kênh 14/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất