Bí ẩn về đời sống tâm linh của các thiên tài nổi tiếng (Kỳ 2)

Trước khi đến với khoa học, cha đẻ của "Định luật vạn vật hấp dẫn" Isaac Newton đã là một tín đồ Kito giáo và có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa trời.

Isaac Newton - tín đồ Cơ đốc có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa trời

Nhà vật lý vĩ đại Newton (1643 - 1727), cha đẻ của Định luật vạn vật hấp dẫn là một trong những nhà khoa học xuất chúng nhất trong lịch sử nhân loại.

Khoa học không phải niềm say mê duy nhất của Newton, mà thần học cũng là điều ông quan tâm suốt cuộc đời. Newton có một niềm tin mạnh mẽ vào Chúa trời: "Thần mới chính là chủ nhân thật sự sang tạo nên hệ Mặt Trời vô cùng tinh xảo này".

Trong cuốn  Portrait of Isaac Newton (tạm dịch là Newton truyện) của giáo sư Frank Edward Manuel thuộc trường đại học New York, ông đã tóm tắt về con người nhà vật lý thiên tài này chỉ bằng một câu nói súc tích: "Khoa học cận đại khởi nguồn từ những mặc niệm của Newton về Thượng đế".

Trước khi đến với khoa học, Newton đã là một tín đồ Kito giáo. Có lẽ do ảnh hưởng của cha dượng là một mục sư nên Newton sớm được tiếp xúc với Kinh thánh thường xuyên. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ niềm yêu thích của mình với sách và những quyển Kinh thánh trong thư viện của dượng. Thậm chí, nhà vật lý vĩ đại này còn định trở thành một mục sư thay vì tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Khi bước chân vào cánh cổng Đại học Cambridge, Newton vẫn thường viết lời cầu nguyện vào những chỗ trống trong sách vở hoặc sổ tay của ông mà cho đến nay còn được lưu giữ trong viện bảo tàng Anh. Thời gian rảnh, Newton còn cùng bạn chung phòng là Andrew Wiggins ra ngoài phân phát Thánh kinh cho người nghèo, gửi phúc âm tới cho họ.

Nhà vật lý học nổi tiếng Richard Feynman từng nói: "Rất nhiều nhà khoa học vừa tin tưởng vào khoa học vừa tin vào Thượng đế" mà hai điều tưởng như trái ngược nhau này lại có thể thống nhất một cách hoàn mỹ. Newton chính là ví dụ điển hình cho câu nói ấy. Khi tìm hiểu về tín ngưỡng, ông nghĩ tới khoa học. Khi nghiên cứu khoa học, ông lại nghĩ về tín ngưỡng, và cho rằng mọi thứ xảy ra trong vũ trụ không phải điều ngẫu nhiên.

"Khi tôi quan sát hệ Mặt trời, nhìn thấy khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời vừa khéo khiến cho Trái đất có được ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, đây tuyệt đối không phải là hiện tượng ngẫu nhiên!", Newton nói.

Chia sẻ quan điểm trước nhận định của Richard, nhà khoa học Von Braun đã cho biết: "Sự thần kỳ của vũ trụ chỉ có thể chứng thực đức tin của chúng ta rằng có tồn tại một Đấng sáng thế. Nhưng tôi nghĩ việc lý giải một nhà khoa học không thừa nhận tính siêu thường của vũ trụ và một nhà thần học phủ nhận sự tiến bộ của khoa học đều khó như nhau".

Ở Newton, tín ngưỡng tâm linh và khoa học hội tụ cân bằng, đủ để bổ sung cho nhau cũng chỉ nhằm thúc đẩy ông nghiên cứu, đào sâu thêm về bí ẩn vô biên của vũ trụ. Trong khi người đời xem những định luật, công trình nghiên cứu khoa học của ông là đáng giá, đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền khoa học thế giới; thì tự bản thân Newton lại đề cao việc tìm hiểu thần học hơn là khoa học.

Sinh thời, ông nghiên cứu khoa học và thần học song song với nhau. Ông còn để lại cho hậu thế một cuốn bản thảo nghiên cứu dở dang về Kinh thánh. Ông tin rằng ẩn chứa bên dưới Kinh thánh là mật mã và đòi hỏi ông phải miệt mài tìm tòi. Bản thảo dở dang nhằm giải mã "mật mã Kinh thánh" của Newton được ông chuyên tâm đến tận phút lâm chung.

Ngoài ra, định luật vạn vật hấp dẫn cũng như ba định luật về chuyển động của Isaac Newton phát triển thành công nhờ Đức tin của ông dành cho Chúa - vị thần mà ông tin rằng là Đấng sáng tạo nên vạn sự vạn vật; và khoa học chính là con đường giúp ông đi đúng hướng.

"Người bao quát hết thảy, đại trí đại huệ. Người hiện hữu trong đại thiên thế giới sắp xếp có trật tự, bao la vô tận, tất cả đều theo chỉ ý của Ngài... Việc dùng kính viễn vọng giúp tôi tìm đến nơi tận cùng, tôi đã nhìn thấy dấu vết của Thần", Newton nói. Ông cũng từng khẳng định khi đang nghiên cứu về chuyển động của các hành tinh, ông nhìn thấy "bàn tay của Chúa".


Kính viễn vọng của Isaac Newton. Ông đã nhấn mạnh nhờ nó mà ông "nhìn thấy dấu vết của Thần".

Đức tin là tự do cá nhân của mỗi người. Nhưng ở thời đại của Newton - một nhà khoa học dám thẳng thắn bày tỏ mọi sự trong vũ trụ đều do bàn tay Thượng đế tạo ra quả thật không dễ dàng; vậy mà ông vẫn không ngần ngại khẳng định trước công chúng mọi nghiên cứu khoa học của ông đều xuất phát từ Thần. Bởi lẽ đó, sự nghiệp của nhà bác học đại tài này đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại trước khi các công trình vĩ đại của ông thật sự được công nhận.

Dù "dấu vết của Thần" hay "bàn tay của Chúa" trong mắt Isaac Newton có tồn tại thật hay không; thì niềm tin mạnh mẽ vào vị thần ấy đã giúp ông trở thành một trong những nhà khoa học kiệt xuất nhất mọi thời đại.

Mời các bạn đón đọc kỳ 3 trên 2Sao.vn vào 11h ngày 21/7/2017.

LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/bi-an-ve-doi-song-tam-linh-cua-cac-thien-tai-noi-tieng-ky-2-n-126688.html

đời sống tâm linh khoa học tôn giáo Thiên tài

Tin tức mới nhất