Bị bố xâm hại tình dục: Ám ảnh mỗi lần về nhà

Lầm lì, ít giao tiếp, trầm cảm… là hậu quả đau lòng của những bé gái bị chính người thân trong gia đình mình xâm hại tình dục. Xót xa hơn khi khúc sau cuộc đời của các em không biết sẽ về đâu...

Khi người thân trở thành “yêu râu xanh”

Gặp M tại Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (hẻm 30/31 Lâm Văn Bền, Q.7, TP.HCM) - Tổ ấm của những bé gái bị xâm hại tình dục. Nhìn em khá phổng phao so với tuổi 15 của mình. Tôi kéo ghế ngồi lại gần trò chuyện nhưng em cũng chỉ cúi mặt để tránh ánh nhìn và cứ ngồi vân vê tà áo. Phải mất một lúc khá lâu nói những câu chuyện ngoài lề một cách vui vẻ, M mới chịu kể về quá khứ đau lòng của mình.

Bị bố xâm hại tình dục: Ám ảnh mỗi lần về nhà
Ở Mái ấm này, các em được học văn hóa, học nghề nhưng
các vết thương về tâm hồn không biết đến khi nào lành.


M khẽ rùng mình nhớ lại: “Nhà chỉ có 2 anh em, mẹ thường hay đi làm xa nên em ở nhà với ba. Vào một ngày cuối năm 2010, khi đó em mới có 13 tuổi à, khi chỉ có hai ba con ở nhà thì bất ngờ ba bế em vào trong giường. Ba làm em đau lắm. Làm xong, ba nói: Cấm mày nói cho ai biết”.

Nhưng các vết thương thể xác và tinh thần các em không biết đến khi nào mới lành. Nhất là đến lúc các em đến tuổi yêu đương, lập gia đình, sinh con cái có được bình thường không”,

Cứ thế, người cha mất hết nhân tính liên tục giở trò đồi bại với chính đứa con gái bé bỏng của mình. Do quá hoảng sợ và nghĩ đây là người sinh ra mình nên M đành câm lặng. Chỉ đến lần cuối cùng vào cuối năm ngoái, khi mấy cô hàng xóm đi ngang qua và phát hiện ra hành vi của người cha với con gái nên đã đứng ra tố cáo. Lúc này, người mẹ mới biết chuyện và phát hoảng lên thì chuyện cũng đã rồi. Bố M bỏ trốn, mãi sau này mới ra đầu thú rồi bị đi tù.

M cho biết thêm, dù đã vào mái ấm từ tháng 7/2012 đến nay, được các cô trong mái ấm cưu mang, che chở và chuẩn bị cho học nghề, nhưng mỗi khi nhớ đến chuyện cũ, em lại cảm thấy tủi nhục vô cùng.

“Nhà em xa lắm, ở tít Kiên Giang kia. Tết vừa rồi em có về nhà 1 lần, em thấy ám ảnh không thể chịu được. Em không muốn quay về nhà nữa đâu. Em chỉ mong học lấy cái nghề rồi tự đi làm kiếm sống…”, M nói như mếu.

Bi đát hơn là trường hợp của T, quê ở Thanh Hóa. Không như những bé gái khác, thường chỉ lưu lại trong Mái ấm chừng 1 – 2 năm là trở về với cuộc sống gia đình, T đã lưu lại nơi này đến tận 5 năm, từ lúc 12 tuổi cho đến 17 tuổi.

Cuộc sống nghiệt ngã đã cướp mất người mẹ của em, ba em vì buồn chán đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Nhà có 2 chị em, đành phải mỗi người một nơi, người em trai ở lại Thanh Hóa nhờ cô chú trông nom, còn T được gửi gắm vào Sài Gòn cho người bác ruột.

Người bác gái vốn bị bệnh tâm thần nên từ khi nhận cháu gái ở quê lên chăm sóc, ông bác tỏ ra vui mừng, chăm sóc cháu chu đáo. Bi kịch cũng bắt đầu từ đây, khi máu “yêu râu xanh” nổi lên, người bác đã nhẫn tâm hại đời cả cháu ruột của mình khi ấy mới 12 tuổi. Sự việc cũng được phát hiện và người bác vướng vào vòng lao lý, còn T được đưa vào Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ.

Đau lòng hơn, khi cách đây hơn 1 năm, ba T cũng theo mẹ đi sang thế giới bên kia. Vậy là T chỉ còn thân côi cút. “Giờ em chẳng còn nhà nữa rồi. Mái ấm cũng chỉ nuôi em được đến hết năm 18 tuổi thôi. Thế nên giờ em phải tranh thủ vừa học văn hóa vừa học nghề may thật giỏi để có thể tự lập được. Em còn đứa em trai ở quê nữa, từ lúc đi đến giờ em chưa gặp mặt nó lần nào, không biết giờ này nó ra sao? Sau này, nhất định em sẽ về nuôi nó…”, T rưng rưng kể.

Tương lai em về đâu?

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Mai, Phó Chủ nhiệm Mái ấm cho biết, các trường hợp của M và T không ít. Mỗi năm, Mái ấm nhận chừng 20 em gái từ 12 – 18 tuổi. Hầu hết các em đều nằm trong nhóm bị xâm hại tình dục, có nguy cơ bị xâm hại và bị bạo hành. Tính từ thời điểm thành lập Mái ấm năm 1992 đến nay đã có khoảng 400 em được cưu mang tại đây.

Đáng lưu ý, phần lớn các bé bị hại đời đều là những người thân trong gia đình các em, từ ba, anh trai, chú ruột, bác ruột… nên nỗi ám ảnh này lớn gấp hàng ngàn lần so với việc bị những người lạ xâm hại. Bởi các em luôn cảm thấy tội lỗi, không biết phải đối diện với người thân mình trong suốt quãng đời còn lại ra sao. Chẳng thế mà khi các bé được đưa đến đây luôn trong tình trạng lầm lì, khóc nhiều hơn nói, trầm cảm… kéo dài hàng tháng trời.

“Chúng tôi chỉ có thể giúp các em ổn định lại tâm lý, chấp nhận quá khứ để tiếp tục sống. Sau đó, sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, học văn hóa, học nghề và tìm việc làm cho các em bằng tất cả sự chân thành của mình. Nhưng các vết thương thể xác và tinh thần các em không biết đến khi nào mới lành. Nhất là đến lúc các em đến tuổi yêu đương, lập gia đình, sinh con cái có được bình thường không”, bà Mai trăn trở.

Cũng theo bà Mai, hiện tại Mái ấm cũng gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ thuộc các tổ chức phi chính phủ lần lượt ngừng hỗ trợ Mái ấm. Gần đây nhất, Dự án của Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam tuyên bố sẽ rút dần sự hỗ trợ đến cuối năm 2013. Họ cho rằng, trong khoảng thời gian làm dự án từ năm 2005 đến nay, họ đã giúp về chăm sóc và truyền thông, đào tạo quỹ cho Mái ấm và kì vọng Mái ấm sẽ có thể tự độc lập được.

Tuy nhiên, bà Mai cho hay, dù hiệu quả của dự án mang lại là giúp những thành viên trong Mái ấm trở thành giảng viên nguồn trong lĩnh vực truyền thông về các vấn đề như xâm hại tình dục, song, để kiếm được nơi chấp nhận những giảng viên về dạy ở Việt Nam là điều vô cùng khó khăn. Vì thế, Mái ấm rất mong nhận được sự trợ giúp từ những tổ chức, nhà hảo tâm.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất