Bi hài kết hôn... xuyên biên giới

Ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều năm qua đã có hàng trăm cặp vợ chồng Việt - Lào. Họ sống với nhau cho đến khi có vài mặt con mới biết mình vi phạm pháp luật vì không có đăng ký kết hôn hợp pháp.

Vô tình vi phạm

Mường Lát là huyện xa xôi, nghèo khó nhất của Thanh Hóa có biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, với đa số người Thái, người Mông sinh sống. Nhiều năm qua, tình trạng nam nữ ở Mường Lát vượt biên lấy chồng, lấy vợ người Lào mà không đăng ký kết hôn hợp pháp không phải là hiếm. Thực trạng này đã xảy ra khá phổ biến từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

bi hai ket hon... xuyen bien gioi hinh anh 1
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình cho người dân Mường Lát.   Ảnh: H.Đ

Tuy sống ở hai đất nước, song bà con người Mông, người Thái ở vùng biên giới Việt – Lào luôn gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Nhiều thanh niên nam, nữ Mường Lát sang các bản giáp biên làm thuê rồi lấy chồng, lấy vợ bên nước bạn. Họ cũng tổ chức đám cưới theo phong tục địa phương.  Nhưng khi cán bộ hỏi giấy kết hôn hay khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, thì không ít cặp vợ chồng Việt - Lào mới biết mình đã vi phạm  pháp luật.

Bà Lương Thị Pốn ở bản Na Hin, xã Mường Chanh (Mường Lát) có con gái lấy chồng ở bản Xốm Pói, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay (Lào) cho biết: “Năm 2000, thấy hai đứa nó ưng nhau nên hai bên gia đình chúng tôi đã đồng ý cho chúng lấy nhau. Còn chuyện lên UBND xã đăng ký kết hôn thì chúng tôi thấy rườm rà lắm, rồi phải đợi đi huyện, đi tỉnh mới kết hôn được. Vì thế khi tổ chức đám cưới, chúng tôi chỉ làm theo phong tục truyền thống hai bên, có già làng, trưởng bản, rồi có báo cáo qua chính quyền địa phương, đâu biết kết hôn mà không đủ thủ tục như vậy là phạm pháp đâu”.

Thiếu hiểu biết pháp luật

Ông Trịnh Văn Sôm - Bí thư Chi bộ bản Lách, xã Mường Chanh cho hay: “Bản Lách là bản người Khơ Mú giáp với Lào, nhiều năm qua có tình trạng kết hôn xuyên biên giới nhưng không đăng ký hợp pháp. “Không phải bà con không tôn trọng pháp luật đâu, mà đa phần là thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật. Mặc dù xã cũng đã tạo điều kiện cho bà con, nhưng cấp xã lại không có đầy đủ chức năng cấp giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Nếu làm đăng ký kết hôn, thì phải đi huyện, đi tỉnh để xin, rồi lại phải chờ đợi. Mường Chanh lại là xã xa nhất của huyện Mường Lát, phải đi gần 300km xuống tỉnh để xin giấy đăng ký kết hôn, đối với bà con ở vùng biên giới này việc đi lại như vậy rất khó khăn”.

Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Vài năm gần đây, tình trạng kết hôn không hôn thú của người dân hai nước Việt - Lào có giảm, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt. Do hạn chế về trình độ văn hóa, họ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khi tình trạng hôn nhân của họ chẳng may đổ vỡ, thì phụ nữ và trẻ nhỏ là bị thiệt thòi nhất.

Còn ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho rằng: “Để hạn chế tình trạng người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú giữa vùng biên hai nước Việt- Lào, cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu luật. Hiện tại, các cấp chính quyền đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ. Đối với những trường hợp kết hôn từ 2015 trở về trước, chúng tôi sẽ tạo điều kiện giúp họ làm thủ tục kết hôn, nhập quốc tịch để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, còn những trường hợp kết hôn từ năm 2016 trở đi, phải có đầy đủ giấy tờ đăng ký kết hôn”.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất