Bi kịch của thủ khoa đại học sau 10 năm

Trở thành thủ khoa đại học ở tuổi 15, Hải Tử được mệnh danh là thần đồng. Tuy nhiên, cuộc đời anh là một chuỗi bi kịch.

Thần đồng Hải Tử tên thật là Tra Hải Sinh (1964-1989), xuất thân trong một gia đình bình thường ở thị trấn Cao Hà, huyện Hoài Ninh (tỉnh An Huy, Trung Quốc).

Ở tuổi lên 3, cậu bé bộc lộ tố chất thơ ca. Khi được mẹ dạy chữ trong sách Văn học An Huy, hôm sau, khi thấy 4 chữ này Hải Tử đọc to trước sự ngỡ ngàng của gia đình.

Nhận thấy con trai nhạy cảm với ngôn từ, mẹ anh tập trung vào việc phát triển tài năng của Hải Tử. Bằng cách bà mượn các loại sách và tạp chí của hàng xóm về đọc cho Hải Tử khi rảnh.

Thời điểm đó, phong trào học Mao ngữ lục (Mao Trạch Đông ngữ lục) phổ biến ở Trung Quốc. Để khích lệ tinh thần học tập của người dân, địa phương nơi Hải Tử ở tổ chức cuộc thi Nghe đọc Mao ngữ lục. Đây là cuộc thi ai cũng có thể tham gia, vì vậy mẹ đã đăng ký cho Hải Tử.

Ngày cuộc thi diễn ra, mọi người tập trung dưới gốc đa đầu làng. Người dẫn chương trình lần lượt mời từng thí sinh lên sân khấu trình bày phần thi. Không ai ngờ chiến thắng thuộc về cậu bé 4 tuổi này. Từ đó về sau, dân làng gọi cậu là thần đồng. 


Từ nhỏ, Hải Tử được nhiều người ca tụng là thần đồng. Ảnh: Baidu

Không chỉ bộc lộ tài năng thơ ca, thành tích học tập của anh cũng tương đối tốt, liên tục vượt cấp. 10 tuổi, Hải Tử được tuyển thẳng vào một trường THCS trọng điểm của địa phương. Lúc này, mọi người không ngừng ca tụng cậu bé. 

Dù có tài năng thiên phú nhưng Hải Tử chưa bao giờ ngừng cố gắng. Trong khi bạn bè đồng trang lứa mải chơi, cậu bé dành thời gian học tập chăm chỉ. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1979, Hải Tử trở thành thủ khoa tỉnh An Huy (Trung Quốc).

Thành tích này giúp anh đỗ khoa Luật của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Bước chân vào đại học ở tuổi 15, Hải Tử không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, anh nhanh chóng thích nghi với môi trường đại học và dành phần lớn thời gian học. 

Suốt 4 năm đại học, Hải Tử tích cực đọc nhiều sách Văn học. Vào năm thứ hai, anh tham gia CLB Văn học của trường, tình cờ gặp được Lạc Nhất Hòa - sinh viên khoa tiếng Trung.

Dưới sự động viên của Lạc Nhất Hòa, ngọn lửa đam mê thơ ca của Hải Tử được thổi bùng. Do đó, năm 1982, Hải Tử bắt tay vào làm thơ. 

1 năm sau, tập thơ Trạm nhỏ của Hải Tử chính thức được xuất bản. Cùng năm, ở tuổi 19, chàng sinh viên khoa Luật của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) tốt nghiệp. Lúc này, anh đứng trước hai sự lựa chọn giảng dạy hoặc làm công việc liên quan đến pháp lý. 

Cân nhắc kỹ lưỡng Hải Tử quyết định gắn bó với giảng đường đại học. Sự lựa chọn của anh khiến bố mẹ hạnh phúc. Họ tin rằng, tương lai của con trai được đảm bảo và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn với công việc "bát cơm sắt".

Sau đó, Hải Tử được bổ nhiệm làm giảng viên khoa Giảng dạy và Nghiên cứu Triết học tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc.

Tranh thủ ngoài thời gian lên lớp, Hải Tử còn sáng tác. Kết quả, năm 1985, Hải Tử xuất bản bài thơ Đồng châu Á và nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Thậm chí tài năng của anh cũng thu hút nhiều cô gái trẻ để mắt. Không lâu sau, Hải Tử tìm được tình yêu đời mình là cô học trò Ba Uyển.

Khi tình yêu giữa hai người đang đẹp, gia đình phát hiện mối quan hệ của Ba Uyển và thầy giáo. Không chấp nhận tình yêu thầy trò tồn tại, đồng thời vấp phải sự phản đối và áp lực từ gia đình, Hải Tử và Ba Uyển buộc phải chia tay. 

Kết thúc mối tình đầu, Hải Tử bị tổn thương tinh thần, một người đồng nghiệp xuất hiện. Nhưng mối tình này cũng không đem đến kết quả. Sau mỗi lần kết thúc một mối tình, Hải Tử hụt hẫng và u sầu nên anh thường dùng thơ bày tỏ nỗi lòng.

Lúc này, người thân khuyên anh tập trung vào công việc, sự nghiệp thay vì đắm chìm trong thơ ca. Không có tình yêu và chỗ dựa tinh thần, Hải Tử chìm đắm trong rượu chè.

Sự tê liệt của những cơn say khiến anh quên đi vết thương tình ái. Cảm xúc trống rỗng không có 'dưỡng chất' nuôi tinh thần, cuộc sống của Hải Tử mất đi ánh hào quang.

Trải qua nhiều mối tình thất bại cùng sự sức ép của người thân vì không tập trung phát triển sự nghiệp, Hải Tử cự tuyệt không giao tiếp. Khi nỗi u uất ngày càng lớn và bị dồn nén quá mức, dẫn đến việc anh bị trầm cảm

Năm 1989, Hải Tử đón Tết lần cuối ở quê nhà An Huy (Trung Quốc). Sau đó, anh viết đơn xin nghỉ việc tại Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc. Điều này vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Không tranh cãi với gia đình, Hải Tử chọn cách bỏ đi. 

Đến ngày 26/3/1989, Hải Tử chọn cách kết liễu cuộc đời ở tuổi 25. Sự ra đi của thiên tài Hải Tử, khiến nhiều người xót thương. Đến nay, sự ra đi đột ngột ở tuổi 25 của Hải Tử vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Nhà thơ Hải Tử ra đi để lại cho nền Văn học Trung Quốc một số tập thơ đồ sộ như: Trạm nhỏ, Dòng sông, Sống trong kiếp người quý giá, Cánh đồng lúa tháng 5, Tổ quốc, Mặt hướng biển khơi, xuân sang hoa nở…

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bi-kich-cua-thu-khoa-dai-hoc-sau-10-nam-2278189.html

thủ khoa đại học

Tin tức mới nhất