Bị gán ghép vụ tiếp viên hàng không mang ma túy
Ngày 18/3, Nguyễn Bảo Châu (26 tuổi, Hà Nội) lên tiếng về việc bị đánh cắp hình ảnh cá nhân gán ghép vụ tiếp viên hàng không mang 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam. Theo đó, nhiều nền tảng mạng xã hội đồng loạt đăng tải hình ảnh của Bảo Châu, cho rằng cô là Đ.P.V. (27 tuổi) - một trong 4 tiếp viên hàng không đang bị tạm giữ.
Chủ nhân bức ảnh trên là Bảo Châu đã phải lên tiếng đính chính
Trao đổi với Dân Trí, Bảo Châu cho biết từng làm việc tại bộ phận phục vụ mặt đất của một hãng hàng không, nhưng hiện đã nghỉ việc. Những hình ảnh bị lấy cắp và đăng tải lên mạng xã hội được chụp từ năm 2020, thời điểm cô bị mất tài khoản Facebook cá nhân.
"Tôi vừa lấy lại Facebook khoảng một tuần nay, không quá quan tâm việc hình ảnh bị đăng tải nhằm mục đích câu view, câu like, bởi đây không phải lần đầu tiên tôi rơi vào hoàn cảnh này", Bảo Châu kể.
Tuy nhiên, khi sự việc đi quá xa, nhiều người bình luận với ngôn từ khiếm nhã, Bảo Châu cảm thấy bức xúc và khó chịu. Gia đình và bạn bè cũng liên tục gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, nên cô quyết định lên tiếng đính chính.
Bảo Châu bị nhầm lẫn vì trước đó cô cũng từng làm việc tại bộ phận phục vụ mặt đất
Theo Bảo Châu, nhiều người dễ nhầm lẫn trang phục của nhân viên mặt đất và tiếp viên hàng không. Áo dài của tiếp viên hàng không có màu xanh thiên thanh, còn của nhân viên mặt đất là màu xanh nước biển. Lúc chụp ảnh, cô chỉnh sáng nên vô tình màu áo dài khá giống với trang phục của tiếp viên hàng không.
"Nhiều người đã hỗ trợ tôi bằng cách bình luận, nhắn tin tới các trang Fanpage yêu cầu gỡ hình ảnh, đính chính. Tôi hy vọng người dùng mạng xã hội tỉnh táo hơn và biết cách chọn lọc thông tin", Bảo Châu nói, cho biết cuộc sống không bị ảnh hưởng. Cô gái trẻ hiện vẫn đi chơi, du lịch cùng gia đình.
Đây không phải lần đầu tiên tin giả, tin độc hại lan truyền chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội. Hồi tháng 2, thông tin "cô gái trẻ ngất xỉu khi tiễn người yêu lên đường nhập ngũ tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh" từng gây xôn xao.
Theo hình ảnh đăng tải, cô gái trẻ có biểu hiện ngất xỉu nằm gục dưới mặt đất. Các nhân viên y tế và người dân tập trung đông đúc xung quanh.
Lãnh đạo Ban tuyên giáo Thành ủy Hạ Long sau đó đã khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Cô gái này là em ruột của tân binh lên đường nhập ngũ. Do sức khỏe yếu, cô bị ngất, được mọi người sơ cứu ban đầu.
Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền video và thông tin nữ sinh Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) nghi bị xâm hại khi tham gia học kỳ quân sự tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng - An ninh (thuộc Trường Quân sự Quân khu 7).
Tại buổi họp báo chiều 12/1, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm chính trị Trường Chính trị Quân khu 7 khẳng định, âm thanh trong các video đã bị lồng ghép khiến nhiều người hiểu nhầm.
Theo Dân Trí