Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV

Giáo sư người Anh Peter Hunter nhận định virus sẽ tồn tại mãi, nhưng Covid-19 sẽ trở thành bệnh cảm thường. Theo ông, giai đoạn đại dịch tồi tệ nhất đã trôi qua.

“SARS-CoV-2 sẽ tồn tại mãi nhưng căn bệnh (Covid-19) rồi cũng sẽ trở thành một nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường”, Peter Hunter, giáo sư y khoa thuộc Trường Y tế Norwich, Đại học East Anglia (Anh), trả lời khi được hỏi về viễn cảnh đại dịch sẽ kết thúc như thế nào khi luôn thường trực nguy cơ xuất hiện biến chủng mới như Omicron.

“Cũng như những virus corona khác, chúng ta có thể bị tái nhiễm SARS-CoV-2 liên tục trong cuộc đời”, ông Hunter, một trong những chuyên gia tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.

“Theo tôi, giai đoạn tồi tệ nhất đã qua nhưng ta vẫn nên chuẩn bị tinh thần cho việc cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng thêm một vài năm nữa”.

Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV-1
Giáo sư Catherine Bennett. Ảnh: The Age.

Giáo sư Catherine Bennett, Đại học Deakin (Australia), cũng cho rằng Covid-19 sẽ trở thành như bệnh cúm.

“Chúng ta (từ trước đã) sống chung với cúm mùa và kiểm soát nó bằng vaccine. Nhưng ta vẫn cần để ý tới những chủng có khả năng gây ra đại dịch”, bà Bennett nói.

“Ta cần chuẩn bị và lên kế hoạch trước nhưng cũng không quá lo âu về điều ấy cho tới khi có dấu hiệu cảnh báo”.

Thành tựu và thiếu sót trong hai năm chống dịch

Trong hai năm chống dịch, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu, như công tác giải trình tự gene ấn tượng, thời gian phát triển vaccine mới nhanh kỷ lục, giai đoạn thử nghiệm được thực hiện nhanh chóng để cải thiện và phát triển các biện pháp điều trị, giáo sư Hunter nhận định.

Giáo sư Bennett cũng cho rằng điểm tích cực trong cuộc chiến hai năm qua là việc thế giới đã hiểu được nhiều điều về SARS-CoV-2 và các biến chủng của virus này, từ cấu trúc bộ gene của virus cho tới nguyên lý virus gây bệnh và lây lan trong cộng đồng.

“Chúng ta đã chứng kiến các loại vaccine hiệu quả và an toàn được phát triển trong thời gian kỷ lục, và ta cũng đã đi một chặng đường dài trong việc cải thiện các biện pháp phòng ngừa gián tiếp cho người có nguy cơ bị bệnh nặng”, bà Bennett nói, bổ sung rằng liệu pháp kháng thể đơn dòng và thuốc kháng virus đã giúp người bệnh không phải nhập viện.

Nhưng việc chống dịch của thế giới vẫn còn thiếu sót, theo ông Hunter.

“Mỗi quốc gia đã hành động riêng rẽ thay vì phối hợp với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế để khống chế đại dịch”, ông Hunter nhận định. “Các thuyết âm mưu và lời khuyên nguy hiểm được cho phép phát tán không kiểm soát trên mạng xã hội”.

Sự phân bổ bất bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới là một thiếu sót nữa trong cuộc chiến chống dịch, theo ông Hunter.

Sau hai năm, tính tới ngày 1/12, gần 65% dân số ở các nước thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, con số này ở nước thu nhập thấp là 8,06%.

Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV-2
Peter Hunter, giáo sư y khoa thuộc Trường Y tế Norwich, Đại học East Anglia. ẢnhĐại học East Anglia.

Ngoài ra, các nước giàu trung bình chỉ cần tăng 0,8% ngân sách dành cho chăm sóc y tế để lo chi phí tiêm chủng cho 70% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 56,6%, theo dữ liệu từ WHO, UNICEF và khảo sát từ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP).

Có lẽ không khu vực nào trên thế giới là minh chứng cho sự chênh lệch nói trên rõ ràng như châu Phi. Đến nay, châu lục này mới chỉ có 102 triệu người được tiêm đầy đủ, tương đương 7,5% dân số.

Nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng thấp không chỉ do nguồn cung. Chẳng hạn, nguồn cung vaccine ở châu Phi gần đây đã tăng lên, nhưng hệ thống y tế yếu kém và cơ sở hạ tầng hạn chế (như thiếu nhân viên, trang thiết bị) đã gây khó khăn cho chiến dịch tiêm chủng ở một số vùng, theo Reuters.

Tan giấc mộng triệt tiêu nCoV

Giáo sư Bennett cho rằng thế giới nhiều khả năng sẽ không thể triệt tiêu hoàn toàn virus.

“Kể cả khi có các loại vaccine siêu hiệu quả giúp ngăn ngừa mọi dạng lây nhiễm, chúng ta đã thấy được việc triển khai chương trình tiêm chủng toàn cầu khó khăn như thế nào”, bà Bennett nói. “Chừng nào virus còn lưu hành trong cộng đồng thì nguy cơ từ các biến chủng mới nổi vẫn còn đó”.

Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV-3
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Narok, Kenya vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters.

Ý kiến của bà Bennett cũng là nhận định của nhiều chuyên gia khác.

Theo Reuters, việc phát hiện biến chủng Omicron tại Nam Phi đã càng củng cố quan điểm cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ thúc đẩy virus đột biến và phát tán tới nước có độ phủ vaccine cao.

Giáo sư Bennett cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định về biến chủng Omicron, nhưng các báo cáo sơ bộ từ Nam Phi cho thấy các ca nhiễm Omicron tương đối nhẹ.

Chẳng hạn, một báo cáo gần đây từ Khu phức hợp Bệnh viện cấp quận Tshwane và Steve Biko thuộc Pretoria, Nam Phi cho thấy trong 2 tuần qua (tính tới ngày 2/12), đại đa số bệnh nhân tại phòng điều trị Covid-19 không cần thở máy. Đây là điểm khác so với các làn sóng trước.

Nữ giáo sư đánh giá đây là tin tức “đáng khích lệ”, dù vẫn cần tiến hành các nghiên cứu cụ thể hơn.

“Kể cả thế, chúng ta vẫn chưa nghe thấy thông tin các bệnh viện tại Nam Phi bị quá tải khi số ca mắc tăng”, bà Bennett nói. “Nếu điều này thay đổi, Omicron sẽ nguy hiểm hơn nếu nó vừa dễ lây lan hơn, vừa có khả năng gây bệnh nặng ít nhất bằng với Delta”.

Ông Hunter cũng cho rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy độc lực của Omicron sẽ thấp hơn.

“Và nếu Omicron lây lan nhanh hơn, nó có thể rút ngắn đại dịch một khi mọi người đều bị nhiễm, dù điều này có lẽ sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho các dịch vụ y tế”, ông Hunter nói.

Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV-4
Nhân viên y tế đưa một người có triệu chứng Covid-19 rời khỏi nhà tại Pretoria, Nam Phi vào tháng 1. Ảnh: AFP.

Viễn cảnh đại dịch kết thúc

Hai chuyên gia cùng cho rằng Covid-19 sẽ dần trở thành như bệnh cúm thông thường.

“Cháu của cháu chúng ta sẽ nhiễm SARS-CoV-2 nhưng khi ấy, con virus này chỉ còn là một trong số nguyên nhân gây ra bệnh cảm lạnh thông thường”, ông Hunter khẳng định.

“Biến chủng mới sẽ thường xuyên xuất hiện nhưng khi ấy chúng nhiều khả năng không làm tăng rủi ro gây bệnh nặng”.

Đồng tình, bà Bennett bày tỏ hy vọng các biến chủng sẽ giảm dần độc tính theo thời gian cho tới khi những chủng thống trị không còn gây bệnh nghiêm trọng cho đại đa số người dân.

“Vaccine đã có thể kháng cự các biến chủng cho tới nay. Do đó, kể cả khi các biến chủng không tự giảm dần độc lực, vaccine trên thực tế sẽ làm giảm bớt độc lực của chúng”, bà Bennett nói.

“Như vậy, chúng ta vẫn có thể sống chung với virus, nhưng điều này sẽ cần tới sự hỗ trợ liên tục từ tiêm chủng”.

Trong một bài viết hồi cuối tháng 9 trên Conversation, ông Hunter nhận định quá trình Covid-19 chấm dứt sẽ khác nhau tùy từng nước, phụ thuộc vào hai yếu tố: Độ phủ tiêm chủng và số ca nhiễm xảy ra từ đầu đại dịch.

Biến chủng Omicron cho thấy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nCoV-5
Biển báo yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng tại một ga tàu điện ngầm ở London, Anh vào cuối tháng 11. Ảnh: Reuters.

Ở Anh và các nước vừa có tỷ lệ tiêm chủng cao, vừa có số ca mắc lớn, đa số người dân sẽ có miễn dịch trước nCoV.

Khi sức miễn dịch này được củng cố dần nhờ tái nhiễm tự nhiên hoặc tiêm mũi nhắc lại, số ca nhiễm mới không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ ngày càng lớn.

Nhưng ở các nước chưa có nhiều ca nhiễm, kể cả nơi đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều người vẫn sẽ dễ mắc Covid-19 và đẩy số ca mắc tăng cao. Thời điểm mở cửa ở những nước này cũng sẽ đóng vai trò then chốt, ông Hunter viết trên Conversation.

Nếu mở cửa quá sớm, nhiều người vẫn đang chờ đợi tiêm chủng. Nhưng nếu mở cửa quá muộn, hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể đã bắt đầu giảm sút.

Dù đại dịch kết thúc theo kịch bản nào, cả hai chuyên gia đều có chung thông điệp: Thế giới cần tập trung tiêm chủng.

“Hãy đảm bảo chúng ta phủ vaccine cho mọi người trong nhóm dễ bị tổn thương trên thế giới, rồi từ đó giảm dần các biện pháp kiểm soát”, ông Hunter nói. “Thực sự chỉ có vậy thôi”.

Tương tự, bà Bennett cũng cho biết cần đảm bảo sự tiếp cận vaccine tốt hơn trên toàn cầu để có thể giảm nguy cơ mà những làn sóng lây nhiễm lớn sẽ gây ra đối với những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

“Nếu có đủ người tiêm chủng và tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp, chiếc ‘đồng hồ’ đột biến sẽ chạy chậm lại”, bà Bennett nói. “Và chúng ta sẽ không còn phải lo ngại đột biến mới sẽ xuất hiện với tốc độ nhanh chóng như 12 tháng vừa qua”.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bien-chung-omicron-cho-thay-chung-ta-khong-the-loai-bo-hoan-toan-ncov-post1281811.html

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất